ECB tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, để ngỏ khả năng tiếp tục thắt chặt trong tháng 9
Đức Nguyễn
FX Strategist
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nâng lãi suất 25bp và tiếp tục cho phép mình linh hoạt trong cuộc họp tiếp theo khi chiến dịch thắt chặt sắp kết thúc.
Lần thắt chặt thứ 9 liên tiếp kể từ tháng 7 năm ngoái đã đưa lãi suất tiền gửi lên 3.75% vào thứ Năm. Việc thiếu định hướng cho quyết định của tháng 9 đồng nghĩa với việc ECB có thể tăng tiếp hoặc giữ nguyên, tùy vào số liệu.
“Các quyết định trong tương lai sẽ đảm bảo rằng các lãi suất điều hành của ECB sẽ đủ hạn chế trong thời gian cần thiết. Hội đồng sẽ tiếp tục tiếp cận dựa trên dữ liệu để xác định mức độ hạn chế và thời gian bao lâu là phù hợp.”
Thị trường tiền tệ định giá 50% khả năng ECB tăng lãi suất 25bp trong tháng 9. Trái phiếu ngắn hạn của Đức dẫn đầu đà tăng. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm — một trong những kỳ hạn nhạy cảm nhất với chính sách tiền tệ — đã giảm 8 điểm cơ bản xuống 3.05%.
ECB cũng thiết lập lãi suất trên dự trữ tối thiểu ở mức 0% - một bước đi được cho là sẽ cải thiện hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Giống Mỹ, nơi Fed tăng lãi suất vào thứ Tư, thị trường cho rằng ECB hiện đang ở, hoặc còn 1 lần thắt chặt nữa là đạt đỉnh lãi suất. Tuy nhiên, các quan chức ECB phải cẩn trọng hơn khi hành động của họ ngày càng được cảm nhận rõ. Tăng trưởng kinh tế Eurozone bấp bênh, trong khi nhu cầu vay vốn ngân hàng giảm mạnh.
Dù thường phải mất 12-18 tháng để những thay đổi trong chính sách tiền tệ có tác dụng hoàn toàn, nhưng đã có bằng chứng cho thấy tác động của chu kỳ tăng lãi suất kéo dài cả năm của ECB đang ảnh hưởng lên các công ty và hộ gia đình.
Bên cạnh nhu cầu vay doanh nghiệp giảm mạnh nhất từ trước đến nay, nền kinh tế lớn nhất của khối - Đức - đang phải vật lộn để thoát khỏi suy thoái. Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ của châu lục này đang bắt đầu chao đảo sau sự yếu kém dai dẳng trong sản xuất.
Theo Chủ tịch Christine Lagarde, “triển vọng kinh tế ngắn hạn của Eurozone đã xấu đi phần lớn do nhu cầu trong nước yếu hơn. Theo thời gian, lạm phát giảm, thu nhập tăng và điều kiện nguồn cung được cải thiện sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi.”
Bà mô tả triển lạm phát là “quá cao trong thời gian quá dài.”
Họ hy vọng rằng kinh tế trì trệ sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát, hay hạ cánh mềm. Nhưng áp lực giá cả vẫn còn. Lạm phát cơ bản châu Âu vẫn đang tăng tới 5.5%.
Trước cuộc họp tuần này, đa số các nhà hoạch định chính sách không đưa ra định hướng lãi suất sau tháng 7 - chỉ nhắc lại rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
Ngay cả các quan chức diều hâu như thống đốc ngân hàng trung ương Đức Joachim Nagel và thống đốc ngân hàng trung ương Hà Lan Klaas Knot nói rằng tháng 9 sẽ xoay quanh dữ liệu.
Họ có thể tham khảo kinh nghiệm cuối chu kỳ thắt chặt các nơi khác. RBA được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất vào tháng 8 sau khi tạm dừng hai lần, còn BoJ đã tăng 50bp vào tháng 6 do lạm phát dai dẳng sau khi tăng 25bp trước đó. Tại Chile, ngân hàng trung ương nước này có thể hạ lãi suất để giảm bớt rủi ro suy thoái.
Các quan chức sẽ công bố dự báo kinh tế mới, nhiều khả năng vẫn sẽ dự báo lạm phát vượt 2% vào cuối năm 2025. Trước cuộc họp đó, bà Lagarde cũng có thể phát biểu về triển vọng lãi suất vào tháng 8 tại Jackson Hole.
Bloomberg