"Fed chưa thể ăn mừng tại Jackson Hole"
Trần Minh Đức
Junior Analyst
Nền kinh tế hiện tại đã khởi sắc hơn nhiều so với năm ngoái - với việc lạm phát đã giảm đáng kể từ mức báo động, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp và tăng trưởng kinh tế chậm lại mà không bị đình trệ. Các ngân hàng trung ương trên thế giới coi đó là những dấu hiệu tích cực đầu tiên trong chính sách kiểm soát lạm phát của mình.
Điều đó đồng nghĩa với việc các lãnh đạo ngân hàng trung ương tại các quốc gia có thể tuyên bố đã kiểm soát lạm phát thành công tại Hội nghị Jackson Hole.
Một ví dụ về nền kinh tế chưa thực sự bền vững tại cuộc họp năm nay: Ngay cả ở Mỹ, nơi có những số liệu khả quan nhất trong số các nền kinh tế lớn, hơn một nửa số người được hỏi trong cuộc khảo sát của Bloomberg cho biết Fed vẫn chưa chế ngự được lạm phát.
Còn quá sớm để ăn mừng tại Hội nghị Jackson Hole năm nay
Cục Dự trữ Liên bang không thể chắc chắn rằng họ đã tăng lãi suất đủ cao để kiềm chế lạm phát hay chưa. Họ thậm chí còn chưa xác định rõ được việc chính sách thắt chặt sẽ được duy trì trong bao lâu. Đây là câu hỏi quan trọng nhất, có ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính.
Jerome Schneider, Trưởng Bộ phận Quản lý Danh mục Đầu tư tại Pacific Investment Management Co, cho biết: “Chúng tôi dự báo lãi suất điều hành vẫn có thể được giữ nguyên – có lẽ đến giữa năm 2024 hoặc lâu hơn nữa”.
Các công ty bị đẩy tới bờ vực phá sản
Lợi suất trái phiếu chính phủ toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ - với lợi suất trái phiếu 10 năm tại Hoa Kỳ lên tới 4.33% trong tháng này và lợi suất 10 năm tại Anh đạt mức 4.75% - do kỳ vọng chính sách thắt chặt vẫn chưa dừng lại sau Hội nghị Jackson Hole.
Nếu những kỳ vọng đó trở thành hiện thực, gần như toàn bộ thị trường tài chính toàn cầu sẽ chịu hậu quả.
Maria Milesi-Ferretti, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings cho biết: “Nếu thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn, về cơ bản, nhà đầu tư cần chiết khấu dòng tiền tương lai nhiều hơn, vì vậy sẽ xảy ra sự điều chỉnh trong giá cổ phiếu. Ngoài ra, sẽ có thể có thêm nhiều công ty bị đẩy đến bờ vực phá sản do chi phí đi vay tăng.”
Ngay cả khi lãi suất không tăng thêm nữa, chính sách tiền tệ hiện hữu vẫn có thể gây ra những tác động trễ khiến các nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái hoặc làm khiến một số ngân hàng bị phá sản.
Theo khảo sát của Bloomberg, phần lớn người được hỏi dự đoán một cuộc suy thoái sẽ diễn ra tại Eurozone trong năm tới. Ngược lại, các nhà dự báo lại lạc quan hơn thế - nhưng Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã trải qua một đợt suy thoái vào mùa đông năm ngoái và có rất ít triển vọng tăng trưởng trong năm nay.
Tại Mỹ, tỷ lệ người được hỏi về khả năng suy thoái trong năm tới rơi vào mức 50-50. Hơn một nửa số người được hỏi cho biết sự biến động của thị trường tài chính có thể sẽ thúc đẩy đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của Fed, thay vì sự suy yếu của thị trường lao động hay lạm phát giảm.
Lạm phát có thể kéo dài bao lâu?
Ở Mỹ, thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành đã đạt đỉnh. Điều này không diễn ra tại những quốc gia khác.
Vương quốc Anh gặp phải tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trên thế giới - với giá năng lượng và chi phí lao động tăng, đồng nghĩa với việc BoE sẽ cần phải đưa ra nhiều chính sách để giải quyết vấn đề này hơn. Tại Nhật Bản, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Kazuo Ueda có dấu hiệu bình thường hóa chính sách tiền tệ nhanh hơn một chút so với dự kiến.
Sau đợt tăng lãi suất gần đây nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào tháng 7, Chủ tịch Christine Lagarde cho biết triển vọng kinh tế ngắn hạn của khu vực đã xấu đi và sau đó ECB cho biết lạm phát cơ bản có thể đã đạt đỉnh. Bài phát biểu của bà Lagarde tại Jackson Hole có thể đưa ra manh mối ban đầu sau kỳ nghỉ hè ở châu Âu về việc liệu các nhà hoạch định chính sách đang hướng tới một đợt tăng lãi suất khác hay tạm ngưng.
Bloomberg