Fed "đấu khẩu" về lộ trình hạ lãi suất!

Fed "đấu khẩu" về lộ trình hạ lãi suất!

Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

08:34 22/10/2024

Bốn nhà hoạch định chính sách của Fed hôm thứ Hai đã đồng thuận về định hướng giảm lãi suất, tuy nhiên vẫn còn những bất đồng về tốc độ và biên độ cắt giảm.

Ba thành viên, dựa trên đánh giá về sức khỏe nền kinh tế và những bất định của thị trường, ủng hộ phương án thận trọng, sử dụng các thuật ngữ như "điều chỉnh vừa phải" và "từng bước" để phác họa lộ trình cắt giảm lãi suất mà họ cho là phù hợp.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly có quan điểm khác biệt, cho rằng lãi suất hiện nay vẫn còn quá cao và một nền kinh tế tăng trưởng tốt không nên là rào cản cho việc tiếp tục hạ lãi suất, miễn là lạm phát duy trì xu hướng giảm.

Những phát biểu này hé lộ một phần nội dung của cuộc thảo luận về định hướng chính sách tại phiên họp sắp tới của Fed vào ngày 6-7/11.

Theo quy định, sau thứ Sáu, các quan chức Fed sẽ tạm ngưng mọi bình luận công khai về quan điểm chính sách tiền tệ - cho đến khi Fed công bố nghị quyết vào ngày 7/11, sau hai ngày họp.

"Mặc dù tôi đồng thuận với việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng ưu tiên của tôi là tránh những động thái quá mạnh, đặc biệt trong bối cảnh chưa xác định được hướng đi của chính sách và mong muốn không làm gia tăng biến động cho thị trường tài chính," Chủ tịch Fed Kansas City Jeffrey Schmid phát biểu tại Hiệp hội Các nhà Phân tích tài chính tạ Kansas City (Missouri). Ông nhấn mạnh việc cắt giảm lãi suất cần được tiến hành một cách có tính toán và từng bước.

Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan cũng bày tỏ quan điểm tương tự khi phát biểu tại Hiệp hội ngành Chứng khoán và Thị trường Tài chính ở New York.

"Nếu nền kinh tế diễn biến như dự báo hiện tại của tôi, chiến lược hạ dần lãi suất điều hành về mức bình thường hoặc trung lập sẽ giúp kiểm soát rủi ro và đạt được các mục tiêu đề ra," bà phát biểu.

Fed đã bất ngờ hạ lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản trong tháng trước, về mức 4.75 - 5%, phản ánh sự hạ nhiệt của cả lạm phát và thị trường lao động. Đây là đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 4 năm.

Các dự báo kinh tế được công bố cùng thời điểm cho thấy đa số thành viên Fed ủng hộ tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới, với biên độ có thể nhỏ hơn.

Từ đó đến nay, chỉ số bán lẻ khả quan cùng với số liệu việc làm vượt dự báo trong tháng 9 đã làm dấy lên những suy đoán về khả năng Fed sẽ thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất, thậm chí có thể tạm hoãn quyết định tại phiên họp tháng 11 hoặc tháng 12.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với Wall Street Journal, bà Daly không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào ủng hộ việc tạm dừng chu kỳ cắt giảm.

"Tôi chưa nhận thấy bất kỳ tín hiệu nào cho thấy chúng ta nên ngừng điều chỉnh giảm lãi suất khi vẫn đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững," bà nhấn mạnh khi được hỏi về quyết định tháng 11. "Chính sách tiền tệ hiện đang ở mức rất thắt chặt đối với một nền kinh tế đang trên đà kiểm soát lạm phát về mục tiêu 2%, và tôi không muốn chứng kiến thị trường lao động tiếp tục suy giảm."

Bà Daly cũng cho rằng Fed cần "cởi mở" hơn với khả năng tăng trưởng năng suất cao hơn đang tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển nhanh mà không gây áp lực lạm phát, từ đó tạo điều kiện cho ngân hàng trung ương tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong số bốn quan chức Fed phát biểu hôm thứ Hai, chỉ có bà Daly hiện là thành viên có quyền biểu quyết trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), dù tất cả đều tham dự các phiên họp và đóng góp ý kiến.

Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cũng thể hiện quan điểm ủng hộ cách tiếp cận từng bước, một lần nữa nhấn mạnh chủ trương cắt giảm lãi suất "vừa phải" trong "vài quý" tới.

Ông lập luận rằng sức mạnh của nền kinh tế cho thấy mức lãi suất cân bằng dài hạn - hay còn gọi là lãi suất trung lập, khi lãi suất không tác động kìm hãm hay kích thích tăng trưởng - có thể cao hơn so với quá khứ, một nhận định cũng được ông Schmid đề cập.

"Chúng tôi mong muốn duy trì sự vững mạnh của thị trường lao động đồng thời đưa lạm phát về mục tiêu 2%," Kashkari khẳng định, đồng thời cho biết lộ trình lãi suất sẽ "phụ thuộc vào diễn biến số liệu kinh tế."

Tuy nhiên, ông Kashkari cũng lưu ý rằng nếu thị trường lao động suy yếu đáng kể, ông có thể ủng hộ việc đẩy nhanh tốc độ cắt giảm. "Nếu chúng tôi nhận thấy dấu hiệu suy giảm rõ rệt, chẳng hạn như bằng chứng thực tế về sự suy yếu nhanh chóng của thị trường lao động, điều đó sẽ khiến tôi, với tư cách một nhà hoạch định chính sách, cân nhắc 'có lẽ chúng ta cần giảm lãi suất nhanh hơn dự kiến ban đầu,'" Kashkari chia sẻ tại buổi gặp gỡ cộng đồng.

Reuters

Broker listing

Cùng chuyên mục

Giống như Taylor Swift, S&P 500 đang trình diễn "Eras Tour" của riêng mình - Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cũng "nóng" như khí hậu toàn cầu?
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

Giống như Taylor Swift, S&P 500 đang trình diễn "Eras Tour" của riêng mình - Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cũng "nóng" như khí hậu toàn cầu?

S&P 500 và Taylor Swift đang có một điểm chung đặc biệt: cả hai đều liên tục vượt qua những kỳ vọng. Trong khi Taylor Swift phá vỡ kỷ lục doanh thu tour diễn và thống trị bảng xếp hạng âm nhạc, S&P 500 cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng với dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cảnh báo rằng, dù ngắn hạn có vẻ tươi sáng, nhưng về dài hạn, thị trường có thể đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí là nguy cơ bong bóng tài chính.
"Chia rẽ, mâu thuẫn, chế nhạo" - cách vận động tranh cử khác biệt của Trump liệu có còn hiệu quả trong năm 2024?
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

"Chia rẽ, mâu thuẫn, chế nhạo" - cách vận động tranh cử khác biệt của Trump liệu có còn hiệu quả trong năm 2024?

Tại một buổi vận động tranh cử ở Pennsylvania vào thứ Bảy vừa qua, Donald Trump đã đưa ra những bình luận gây tranh cãi, từ việc đoán kích thước bộ phận sinh dục của huyền thoại golf Arnold Palmer, miệt thị Kamala Harris là một Phó Tổng thống tệ hại, gieo rắc hoài nghi về tính liêm chính của cuộc bầu cử và bày tỏ sự thất vọng với các sĩ quan quân đội mà ông cho rằng không sẵn lòng hỗ trợ ông trong việc giam giữ hoặc trục xuất những người bất đồng chính kiến và những người không có quốc tịch. Một phát ngôn viên của Trump cho biết một phần của những phát ngôn này là chiến lược vận động cuối cùng của ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử vào ngày 5 tháng 11.
Thâm hụt ngân sách kỷ lục: Di sản đáng lo ngại từ chính quyền Biden
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Thâm hụt ngân sách kỷ lục: Di sản đáng lo ngại từ chính quyền Biden

Trong số những sự kiện kinh tế trọng đại của năm nay, có một vấn đề dường như chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng. Đó chính là việc chính quyền Biden đã tạo ra mức thâm hụt ngân sách lớn thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ trong năm tài khóa 2024, với riêng chi phí trả lãi nợ công đã vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD.
Bắc Kinh và bài toán kích thích kinh tế: Câu chuyện đằng sau những con số
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Bắc Kinh và bài toán kích thích kinh tế: Câu chuyện đằng sau những con số

Một tình huống đầy trớ trêu đang diễn ra: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất ngờ thấy mình rơi vào thế khó, không khác gì những vị CEO tầm cỡ như Jamie Dimon của tập đoàn JPMorgan Chase. Cả hai đều đối mặt với những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn, những người chỉ đơn thuần muốn thấy các con số đẹp để xoa dịu "cơn khát" lợi nhuận của họ, mà không mảy may quan tâm đến độ phức tạp trong việc điều hành một tổ chức khổng lồ.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ