Fed không phải là "đấng toàn năng" nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ?
Trần Quốc Khải
Junior Editor
Có rất nhiều lời than phiền về Fed trong những năm qua: Alan Greenspan đã hạ lãi suất quá nhiều sau vụ sụp đổ dot-com năm 2000. Ben Bernanke đã in quá nhiều tiền để cứu trợ các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Janet Yellen đã giữ lãi suất ở mức quá thấp trong thời gian quá dài vào giữa những năm 2010. Jerome Powell đã quá chậm để thấy được lạm phát sắp bùng phát - và giờ đây ông ấy cũng quá chậm để phát hiện ra suy thoái.
Trong gần ba thập kỷ vừa qua, Fed đã giám sát một giai đoạn lịch sử với lạm phát ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp, chỉ bị gián đoạn ba lần bởi các thế lực phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của NHTW - cụ thể là hai “cơn sốt” đầu cơ liên quan đến cổ phiếu internet và bất động sản, bên cạnh đó là đại dịch Covid. Mỗi lần như vậy, Fed đều can thiệp một cách táo bạo và chịu nhiều chỉ trích để chống lại vòng xoáy giảm phát và củng cố thị trường việc làm.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Fed không can thiệp để giải cứu hệ thống tài chính vào năm 2008 hoặc không duy trì dòng tín dụng chảy vào các chính quyền tiểu bang và địa phương, nhằm hỗ trợ lao động và hộ gia đình vào năm 2020. Những cuộc giải cứu đó không hoàn hảo, nhưng Fed xứng đáng được khen ngợi nhiều hơn là chỉ trích.
Với sức nặng của lịch sử lâu dài đó, Powell đã có bài phát biểu vào thứ Sáu tuần trước tại cuộc họp thường niên ở Jackson Hole, Wyoming. Trong bài phát biểu, Powell ám chỉ rằng Fed sẽ sớm bắt đầu hạ lãi suất, vì họ tập trung ít hơn vào việc chống lạm phát và nhiều hơn vào việc hỗ trợ thị trường việc làm đang suy yếu. Ông cũng thừa nhận rằng Fed không phải là “đấng toàn năng” - tuy nhiên, đây là một cử chỉ hào phóng khi xét đến thành công của Fed trong việc kiềm chế lạm phát mà không kéo sập nền kinh tế, ít nhất là cho đến nay.
Nhiều người đã ước rằng Powell có thể đi xa hơn và nhắc nhở những người chỉ trích Fed về một vài điều:
Không NHTW nào có mô hình dự báo đáng tin cậy về lạm phát hoặc thất nghiệp - hai mặt trong nhiệm vụ kép của Fed. Fed không thể thấy lạm phát hay tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tốt hơn bất kỳ ai khác, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch toàn cầu đang bao trùm, điều này đồng nghĩa là Fed không thể đi trước một bước. Điều tốt nhất mà Fed có thể làm là hành động khi cần thiết và càng nhanh càng tốt để đưa cả hai trở lại đúng mục tiêu. Và đó là những gì Fed đã làm.
Khó khăn là lạm phát theo thời gian thực và số liệu việc làm bị hạn chế, không hoàn hảo, vì vậy Fed phải chờ các cơ quan chính phủ biên soạn dữ liệu, vốn có độ trễ, làm chậm quá trình đánh giá và phản ứng. Ngay cả khi đó, các con số có thể không chính xác, như việc điều chỉnh giảm 818,000 việc làm trong tuần trước là một ví dụ.
Mặc dù thời điểm này không lý tưởng, nhưng vẫn tốt hơn là Fed đưa ra quyết định chính sách dựa trên phỏng đoán về hướng đi của lạm phát và thất nghiệp. Các nhà đầu tư cũng thường xuyên “chơi trò chơi” dự đoán, và số lần họ đúng cũng nhiều như những sai lầm.
Tuy nhiên, Fed không phải lúc nào cũng phải hành động để tạo ra tác động. Thị trường thường phản ứng với các diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm dự đoán Fed có thể làm gì, điều này có thể có tác động tương tự như hành động của Fed. Ví dụ, đợt lạm phát gần đây bắt đầu vào mùa xuân năm 2021 và Fed không bắt đầu tăng lãi suất cho đến một năm sau đó. Nhưng lãi suất ngắn hạn không chờ Fed hành động. Bắt đầu từ mùa thu năm 2021, lợi suất TPCP kỳ hạn hai năm đã tăng lên 1.9% từ mức gần bằng 0 trước khi Fed can thiệp.
Điều tương tự đang xảy ra trong hiện tại. Với việc dự đoán lãi suất thấp hơn, lợi suất TPCP kỳ hạn hai năm đã giảm 100 bps xuống còn 3.9% kể từ tháng 5. Điều này tương đương với hai lần cắt giảm 50 bps mà không cần Fed phải động tay vào. Cuối cùng, Fed sẽ phải hạ lãi suất liên bang nếu muốn lợi suất hai năm giữ nguyên, nhưng thời điểm không còn quan trọng nữa khi thị trường tác động.
Có vẻ như cũng có vài sự nhầm lẫn về công việc của Fed. Fed không chịu trách nhiệm cho nền kinh tế. Mặc dù cố gắng chống lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nhưng điều này không phải lúc nào cũng khả thi. Một nền kinh tế chậm lại là khi chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, mặc dù tỷ lệ này có thể tăng nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Nền kinh tế có thể đang trải qua một kịch bản như vậy ngay bây giờ.
Fed cũng không chịu trách nhiệm về thị trường chứng khoán. Đúng, sự sụp đổ của thị trường có thể khiến lạm phát và thất nghiệp di chuyển theo hướng không mong muốn, giống như đã xảy ra vào đầu những năm 2000, nhưng ngay cả những nhà đầu tư thông minh nhất cũng không thể dự đoán được thị trường bearish. Nếu các nhà đầu tư nghĩ rằng Fed sẽ giải cứu họ khỏi thị trường chứng khoán đang suy thoái mà không có tác động đáng kể đến lạm phát hoặc việc làm, họ đã nhầm.
Theo tình hình hiện tại, thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chi tiêu tiêu dùng cá nhân không bao gồm thực phẩm và năng lượng - đã giảm xuống 2.6% so với cùng kỳ năm trước tính đến tháng 6 và đang tiến tới mục tiêu 2%. Thị trường TPCP cũng định giá rằng lạm phát sẽ ở mức khoảng 2% trong năm năm tới. Nếu xu hướng này tiếp tục, Fed có thể sẽ hạ lãi suất liên bang xuống mức từ 0.5% đến 1% sau khi lạm phát giảm xuống từ mức gần 2.5% - 3% hiện nay.
Lãi suất ngắn hạn đã gần đạt mức kể trên, với lợi suất TPCP kỳ hạn hai năm ở mức 3.9%. Điều này có vẻ hợp lý khi mà lạm phát vẫn chưa đạt mục tiêu của Fed và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp khi so sánh với lịch sử. Trong bối cảnh đó, có vẻ như Fed không cần phải hạ lãi suất khẩn cấp.
Liệu thị trường có quá quen với việc có một trong những NHTW tinh vi nhất thế giới - cùng với tất cả những lợi ích đi kèm - đến mức coi sự ổn định tương đối của Mỹ là điều hiển nhiên hay không. Fed đã xử lý giai đoạn hậu đại dịch và ba thập kỷ trước đó, tốt như mong đợi. Sẽ cần thêm thời gian, nếu cần thiết, để có củng cố niềm tin rằng lạm phát đã hoàn toàn bị “dập tắt”.
Bloomberg