Fed New York: Nợ hộ gia đình Mỹ tăng nhẹ trong quý 2, nợ quá hạn ổn định
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Tổng nợ của hộ gia đình tại Hoa Kỳ đã tăng nhẹ trong quý 2 nhưng tỷ lệ nợ quá hạn nhìn chung đã ổn định, cho thấy người đi vay vẫn có đủ khả năng hỗ trợ nền kinh tế, theo báo cáo từ Fed New York hôm thứ Ba.
Báo cáo của ngân hàng, một phần trong cuộc khảo sát về nợ của hộ gia đình và điều kiện tín dụng, cho thấy tổng nợ trong quý 2 đã tăng 109 tỷ USD, tương đương 0.6%, lên 17.80 nghìn tỷ USD.
Báo cáo cho biết tổng mức vay hiện cao hơn 3.7 nghìn tỷ USD so với cuối năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát.
Dữ liệu được công bố vào thời điểm nền kinh tế có nhiều bất ổn. Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất lên 5.25-5.50% từ mức gần bằng 0 trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, và vẫn giữ nguyên mức này để kiềm chế lạm phát. Chi phí đi vay nhìn chung tăng vọt nhưng nền kinh tế vẫn kiên cường trong bối cảnh tỷ lệ tiết kiệm cao.
Tuy nhiên, dữ liệu thị trường việc làm yếu hơn dự kiến vào tuần trước đã khiến thị trường tài chính lo lắng rằng nền kinh tế có thể đang trên bờ vực suy thoái. Các nhà hoạch định chính sách của Fed - đưa ra tín hiệu rằng họ dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 khi lạm phát đang hướng về mục tiêu 2% - đã chia sẻ rằng họ không muốn chờ quá lâu trước khi hạ lãi suất và cho biết tình trạng nợ quá hạn đang được họ theo dõi chặt chẽ.
Mặt khác, báo cáo cho thấy một số thông tin tích cực khi tỷ lệ nợ quá hạn vẫn ở mức 3.2%, không thay đổi so với quý đầu tiên và vẫn thấp hơn nhiều so với con số 4.7% vào cuối năm 2019 trước đại dịch.
Tuy nhiên, nợ quá hạn đối với thẻ tín dụng và các khoản vay mua ô tô đã tăng nhẹ trong quý 2. Khoảng 9.1% dư nợ thẻ tín dụng và 8.0% dư nợ cho vay mua ô tô đã chuyển sang nợ quá hạn trong năm qua. Báo cáo lưu ý rằng tỷ lệ chuyển đổi thành nợ quá hạn đối với các khoản vay thế chấp cũng tăng nhẹ.
Dư nợ vay thế chấp tăng 77 tỷ USD lên 12.52 nghìn tỷ USD, trong khi mức cho vay mua ô tô tăng 10 tỷ USD và tổng dư nợ vay thẻ tín dụng tăng 27 tỷ USD vào cuối quý lên 1.14 nghìn tỷ USD. Dư nợ thẻ tín dụng trong quý cao hơn 5.8% so với cùng kỳ năm trước. Thẻ bán lẻ và các khoản vay tiêu dùng khác về cơ bản không đổi trong khi dư nợ cho vay sinh viên giảm 10 tỷ USD.
Hạn mức tín dụng cho vốn chủ sở hữu (HELOC) trong quý 2 tăng 4 tỷ USD, đà tăng thứ 9 liên tiếp kể từ quý 1/2022. HELOC là hạn mức tín dụng quay vòng được bảo đảm bằng nhà của người đi vay.
Hiện HELOC đạt mức 380 tỷ USD, tăng 63 tỷ USD kể từ khi chạm đáy vào quý 3 năm 2021, phản ánh sức hấp dẫn của chúng so với việc tái cấp vốn bằng tiền mặt hoặc thế chấp mới trong bối cảnh lãi suất cao.
Trong khoảng 1.8 triệu HELOC được phát hành kể từ năm 2023, khoảng 57% đã đến tay những người đi vay từ 50 tuổi trở lên, với khoảng 24% dành cho những người ở độ tuổi 40. Chúng chủ yếu chỉ dành cho những người có điểm tín dụng cao.
Báo cáo cũng nhận thấy các khoản vay thế chấp mới vẫn ổn định ở mức 374 tỷ USD trong quý 2, tương đương với bốn quý trước và thấp hơn nhiều so với giai đoạn từ quý 2/2020 đến quý 4/2021, khi chi phí vay rất thấp đã thúc đẩy thị trường nhà ở.
Reuters