Fed phải làm gì để dọn dẹp ''mớ hỗn độn'' từ việc in tiền?
Bùi Thu Phương
Junior Analyst
Fed muốn thực hiện thắt chặt định lượng mà không làm đảo lộn thị trường. Cho đến nay, mục tiêu của Fed đã thành công.
Hiện tại, hầu hết nhà đầu tư trên thị trường toàn cầu đã quen với kịch bản lãi suất cao trong thời gian dài. Sắp tới, họ cần quan tâm đến một chính sách tiền tệ quan trọng khác của Fed: thắt chặt định lượng (QT) một cách từ từ trong thời gian dài. Điều này có nghĩa là Fed sẽ tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán bằng cách giảm nắm giữ lượng trái phiếu khổng lồ mà họ đã mua vào trong đại dịch Covid-19. Fed hy vọng quá trình này sẽ diễn ra một cách từ từ và ổn định, không gây ra các biến động lớn trên thị trường.
Tất cả điều này có vẻ khá kỹ thuật và nhàm chán. Tuy nhiên chính sự nhàm chán này tượng trưng cho tính ổn định và sự đảm bảo không gây ra những biến động lớn trong nền kinh tế mà Fed duy trì trong quá trình thực hiện QT. Khi QT trở thành một phần trong bộ công cụ của các ngân hàng trung ương sẽ giúp thu hẹp hoặc mở rộng bảng cân đối kế toán để điều chỉnh dòng tiền lưu thông ngăn chặn các cuộc khủng khoảng tài chính. Mặc dù các cơ quan tiền tệ khác cũng đang trong quá trình thực hiện QT nhưng Fed đóng một vai trò chủ đạo trong cuộc thử nghiệm này với tư cách là ngân hàng trung ương của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Fed đã thu hẹp tổng tài sản của mình khoảng 16% xuống còn 7.5 nghìn tỷ USD kể từ khi bắt đầu QT vào giữa năm 2022 – giảm nhiều hơn so với quá trình QT trước đó của Fed từ năm 2017 đến năm 2019 sau cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán của Fed hiện vẫn lớn hơn khoảng 80% so với thời điểm đầu năm 2020. Việc thu hẹp bảng cân đối kế toán hơn nữa sẽ giúp Fed đề phòng trước khả năng họ cần thực hiện mở rộng bảng cân đối (thường được mô tả bằng cách in tiền mua trái phiếu) khi có cuộc khủng khoảng tài chính tiếp theo xảy ra. Fed thực hiện QT một cách ổn định, không gây biến động lớn trên thị trường và là cách tốt nhất để phản bác lại những chỉ trích cho rằng nới lỏng định lượng (QE) – nguyên nhân gây ra gây ra lạm phát cao và bong bóng tài sản.
Quy mô tài sản của Fed
Không một ai kể cả quan chức Fed biết chính xác quy mô tài sản lý tưởng của ngân hàng trung ương. Điều quan trọng trong bảng cân đối kế toán của Fed là các khoản nợ phải trả - đó là lượng tiền dự trữ trong các ngân hàng thương mại. Nợ phải trả tăng lên khi Fed thực hiện mua trái phiếu chính phủ trong quá trình QE. Mục tiêu của Fed là thu hẹp bảng cân đối kế toán nhưng vẫn đảm bảo các ngân hàng có lượng dự trữ dồi dào đủ để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường. Trước đại dịch, dự trữ tại các ngân hàng thương mại chiếm khoảng 10% tổng tài sản, do Fed thực hiện QE mà tỷ lệ này tăng lên 15%. Do nhu cầu thanh khoản ngày càng tăng và một phần quy định tài chính chặt chẽ hơn, các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs đề xuất mức dự trữ hợp lý là khoảng 12%. Điều này có nghĩa là Fed cần thu hẹp bảng cân đối kế toán của họ thêm 500 tỷ USD.
Không có bất kì một mức lãi suất cố định nào, Fed sử dụng một khung lãi suất điều hành, cho phép họ hành động linh hoạt theo thị trường. Cụ thể, Fed đang theo dõi xem lãi suất Fed cho ngân hàng thương mại vay cao hơn lãi suất tiền gửi của Fed hay không. Điều này cho thấy thanh khoản trên thị trường trở nên chặt chẽ hơn. Những biến động trên thị trường tiền tệ vào mùa thu năm 2019, bao gồm cả lãi suất ngắn hạn tăng cao đã khiến Fed phải tạm dừng quá trình QT trước đó. Lần này, Fed đã tránh được sự bất ổn như vậy.
Đến thời điểm này, các quan chức muốn làm chậm lại việc thu hẹp bảng cân đối kế toán với kỳ vọng rằng làm như vậy sẽ giảm thiểu rủi ro gây rối loạn thị trường. Chủ tịch Fed Jerome Powell dự báo Fed sẽ đưa ra một kế hoạch thu hẹp QT sau cuộc họp tháng 5 và QT có thể bắt đầu thực hiện vào tháng 6. Hiện tại, Fed không bán chứng khoán và chỉ thu hẹp bảng cân đối kế toán 95 tỷ USD/ mỗi tháng.
Kết quả của việc giảm tốc độ thắt chặt định lượng là Fed có thể sẽ tiếp tục giảm tài sản của mình từ hiện tại cho đến hết năm. Fed có thể đang dần thu hẹp bẳng cân đối kế toán (thắt chặt tiền tệ) và khả năng sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất (nới lỏng tiền tệ). Điều này có vẻ mâu thuẫn nhưng trên lý thuyết các nhà đầu tư nên đánh giá phần lớn tác động của QT ngay khi Fed công bố thực hiện.
Dù sao, đến hiện tại việc giảm tài sản của ngân hàng trung ương đã không gây biến động nhiều trên thị trường trái ngược hoàn toàn với bối cảnh hỗn loạn năm 2019 và năm 2013 khi Fed lần đầu tiên thảo luận về kế hoạch cắt giảm tài sản.
The Economist