Fed ra quyết định giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 6
Ngọc Lan
Junior Editor
Fed cho biết họ sẽ giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 6, bằng cách giảm lượng trái phiếu chính phủ đáo hạn mà Fed không tái đầu tư mỗi tháng, một động thái nhằm giảm bớt căng thẳng tiềm ẩn đối với lãi suất thị trường tiền tệ.
Trong kế hoạch được công bố vào thứ Tư, Fed cho biết họ sẽ hạ mức trần hàng tháng về số tiền trái phiếu chính phủ mà họ sẽ cho đáo hạn mà không tái đầu tư, xuống còn 25 tỷ USD từ 60 tỷ USD, trong khi vẫn giữ nguyên mức trần đối với chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp ở mức 35 tỷ USD.
Các nhà quan sát thị trường dự đoán mức trần hàng tháng đối với trái phiếu chính phủ sẽ giảm xuống còn 30 tỷ USD. Tuy nhiên, mức Fed đưa ra còn thấp hơn dự kiến, điều này đã hỗ trợ đáng kể cho trái phiếu chính phủ sau thông báo. Bởi lẽ, điều này đồng nghĩa với việc lượng trái phiếu được bán ra thị trường sẽ giảm hơn nữa. Thêm vào đó, việc Fed giữ nguyên lãi suất, đúng như dự đoán của nhiều người, cùng tuyên bố của chủ tịch Jerome Powell rằng động thái tiếp theo của các quan chức có khả năng sẽ không phải là thắt chặt chính sách, cũng góp phần đẩy giá trái phiếu chính phủ lên cao.
Chủ tịch Powell cho biết trong cuộc họp báo, với khoản thanh toán gốc của các chứng khoán do chính phủ bảo đảm hiện ở mức khoảng 15 tỷ USD mỗi tháng, tổng giá trị tài sản rút ròng khỏi bảng cân đối kế toán sẽ vào khoảng 40 tỷ USD mỗi tháng.
Ông nhấn mạnh: "Quyết định giảm tốc độ rút ròng không có nghĩa là bảng cân đối kế toán của chúng tôi cuối cùng sẽ giảm ít hơn so với dự kiến, mà thay vào đó, cho phép chúng tôi hướng tới mức mong muốn một cách thận trọng hơn."
Fed đã bắt đầu giảm quy mô nắm giữ tài sản từ tháng 6/2022, đây là quá trình được gọi là thắt chặt định lượng. Họ đã dần dần tăng tổng lượng trái phiếu chính phủ và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp đáo hạn không tái đầu tư lên tổng cộng 95 tỷ USD mỗi tháng.
Mặc dù nhìn chung quá trình diễn ra suôn sẻ, các quan chức Fed, dựa trên biên bản cuộc họp tháng 3, đã đồng thuận đánh giá cao việc áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn cho việc rút ròng tài sản sắp tới. Quyết định này được đưa ra sau những biến động mạnh trên thị trường vào năm 2019, lần gần nhất Fed thực hiện thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Fed sẽ bắt đầu giảm quy mô nới lỏng định lượng vào tháng 6
Những người tham gia thị trường đang tự hỏi các nhà chức trách có thể thu hẹp thêm bao nhiêu bảng cân đối kế toán có quy mô 7.4 nghìn tỷ USD của Fed trước khi xảy ra "những vết nứt" đáng lo ngại - tương tự như "những vết nứt" được thấy vào năm 2019 trước cuộc khủng hoảng thiếu hụt tài trợ trầm trọng - bắt đầu xuất hiện. Fed đã tích lũy một khoản nợ khổng lồ trong khuôn khổ các biện pháp kích thích kinh tế trong đại dịch.
Nhưng hiện tại, các thị trường huy động vốn ngắn hạn vẫn đang ổn định và không có biến động. Điều này tạo ra sự linh hoạt và bối cảnh tích cực cho các nhà chức trách khi họ xem xét lộ trình phía trước cho QT.
Nếu Fed cắt giảm dự trữ quá mạnh, điều này có thể gây ra những biến động mạnh trên thị trường vay ngắn hạn qua đêm, tương tự như cuộc khủng hoảng thanh khoản căng thẳng vào tháng 9/2019. Tuy nhiên, nếu dự trữ của ngân hàng dồi dào quá mức, điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn của ngân hàng, hạn chế khả năng cho vay của họ, và đồng thời khiến Fed khó kiểm soát thị trường trái phiếu chính phủ và thị trường repo.
Bloomberg