Fed tăng lãi suất - Kẻ đâm sau lưng USD?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Ban đầu, tưởng rằng sẽ tạo động lực bứt phá, chiến dịch tăng lãi suất của Fed đã trở thành kẻ thù số một của đồng đô la.
Dù logic thường thấy là lợi suất tăng thì đô la tăng, giới trader giờ đang đặt cược rằng đợt thắt chặt chính sách này của Fed sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu quyền chọn mua USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng, khi đồng tiền này xoá toàn bộ đà tăng từ đầu năm. Do vậy, một số chú bò USD như Morgan Stanley, BofA hay Citigroup đang ở thế thủ.
“Đường cong lợi suất phẳng cho thấy thị trường đang nghĩ chu kỳ tăng lãi suất này sẽ hãm lại tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần,” theo Jane Foley, trưởng bộ phận giao dịch ngoại hối tại Rabobank London. “Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới USD trong phần còn lại của năm nay.”
Đồng đô la thường biến động cùng với nền kinh tế. Lý thuyết đồng đô la cười cho rằng sức mạnh của USD thường sẽ theo sau sự vượt trội của kinh tế Mỹ hoặc nhu cầu tài sản phòng hộ tăng. Đồng bạc xanh đã bứt phá trong thời gian chứng khoán chao đảo tháng Một, nhưng giờ đã đánh mất hoàn toàn phần tăng đó, không thể hưởng lợi từ kỳ vọng thắt chặt của Fed.
Các tín hiệu khác cũng cho thấy nhu cầu USD đi xuống. Tỷ lệ giữa quyền chọn mua-bán kỳ hạn 1 tháng của USD so với các đồng tiền khác đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng Năm; giới đầu tư có vẻ như không còn sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để đánh cược vào đà tăng của đô la.
Dù các vị thế đầu cơ vẫn đang mạnh nhất kể từ năm 2019, các quỹ sử dụng đòn bẩy đã bắt đầu cắt bớt vị thế. Với việc thị trường tiền tệ đang định giá một lần tăng lãi suất trong tháng Ba, khả năng Fed triển khai gần như đã là chắc chắn. Và một số nhà đầu tư cho rằng lần tăng đó đã được phản ánh vào giá, khiến USD có vẻ đã tăng quá cao.
Tài sản an toàn mất sức hút?
Trong giai đoạn chứng sập nửa sau tháng Một, chỉ số đô la Bloomberg tăng 2%, nhưng tới giờ đã mất toàn bộ mức tăng từ đầu năm tới giờ. Với việc USD tăng chủ yếu do bất ổn thị trường, chứ không phải kỳ vọng lãi suất, đây có thể là tín hiệu giới đầu tư FX ít quan tâm hơn tới giao dịch ăn chênh lệch lãi suất, mà là về lập trường hawkish của Fed có ý nghĩa gì tới nền kinh tế.
Trong tháng Một, chênh lệch lợi suất 2-10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Một số phần trong đó, đặc biệt là ở lợi suất ngắn hạn, có thể do triển vọng lãi suất, nhưng đường cong lợi suất phẳng dần có thể là lời cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ không còn mạnh như kỳ vọng.
“Thị trường chưa chuẩn bị cho việc thu hẹp bảng cân đối kế toán,” Clifton Hill, quản lý danh mục tại Acadian Asset Management cho biết. “Ta phải điều chỉnh lại, và khi đã có rất nhiều thứ được phản ánh vào giá USD, thị trường bắt đầu tập trung vào ảnh hưởng tới tăng trưởng.”
Dù không phải chắc chắn, nhưng có khả năng kinh tế Mỹ đang chậm lại. Tâm lý người tiêu dùng tháng Một giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ, khi lạm phát và Omicron khiến triển vọng lu mờ.
Vẫn còn cười
Stephen Jen, CEO của Eurizon Slj Capital, không tin vào điều đó. Ông nghĩ lợi suất thực âm và thu nhập doanh nghiệp tốt sẽ có lợi cho tăng trưởng, tạo cơ hội cho USD bứt phá.
“Bạn có thể nhận ra được khi tôi cho rằng ta đang ở phía bên phải của nụ cười trước tình hình lạm phát này,” Jen nói thêm.
Dù đô la vẫn chưa bước vào xu hướng giảm rõ rệt, lợi suất cao vẫn chưa tạo nhiều hỗ trợ, theo Steven Englander, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường ngoại hối tại Standard Chartered.
“Triển vọng của thị trường và tăng trưởng kinh tế là một yếu tố giữ đường cong phẳng. Giới đầu tư không muốn tất tay đánh xuống USD khi Fed vẫn đang ở đó, nhưng cũng không bận tâm đánh lên kể cả khi lợi suất đang tăng.”
Bloomberg