Fed và các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng cường hỗ trợ bằng USD
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Fed và năm ngân hàng trung ương khác đã phối hợp hành động vào Chủ nhật để tăng cường cung cấp thanh khoản thông qua thỏa thuận về các giao dịch hoán đổi bằng USD, nỗ lực mới nhất của các nhà hoạch định chính sách nhằm giảm bớt căng thẳng gia tăng trong hệ thống tài chính toàn cầu
Liên quan đến các giao dịch hoán đổi trong việc cung cấp thanh khoản bằng USD, Fed, BoC, BoE, BoJ và ECB cho biết họ sẽ “tăng các đợt đáo hạn 7 ngày từ hàng tuần lên hàng ngày”, dự kiến bắt đầu vào thứ Hai, ngày 20/3 và sẽ duy trì ít nhất đến cuối tháng Tư.
Fed thường cung cấp các thỏa thuận như vậy vào thời điểm nguồn cung USD bị hạn chế. Điều này có thể xảy ra bởi vì các ngân hàng khác trong thời kỳ căng thẳng tài chính, họ ít có khả năng tiếp cận với nguồn vốn bằng USD hơn.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng bắt đầu với sự sụp đổ của ba công ty cho vay tại Mỹ vào một tuần trước. Trước đó vào Chủ nhật, UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin có nguy cơ lan rộng khắp thị trường tài chính toàn cầu.
Các ngân hàng trung ương cho biết, việc thúc đẩy hạn mức hoán đổi sẽ “tăng cường cung cấp thanh khoản”, đồng thời là “một biện pháp hỗ trợ quan trọng nhằm giảm bớt căng thẳng trên thị trường tài chính toàn cầu” và hạn chế tác động đối với các khoản vay cho hộ gia đình và doanh nghiệp.
Trong một tuyên bố vào Chủ nhật trước đó, Fed, Bộ Tài chính Mỹ, và các ngân hàng trung ương khác đã ủng hộ việc giải cứu Credit Suisse. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng vị thế vốn và thanh khoản của các ngân hàng Mỹ rất mạnh.
Tuần trước, các ngân hàng đã vội vã vay tiền từ Fed để tăng cường thanh khoản trong bối cảnh lo ngại về làn sóng rút tiền. Các ngân hàng đã vay tổng cộng khoảng 165 tỷ USD. Nhìn chung, các khoản cho vay khẩn cấp đã ảnh hưởng đến kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed.
Bloomberg