GDP Nhật Bản tăng mạnh bất chấp tiêu dùng ảm đạm
Đinh Nguyễn Trường Giang
Junior Analyst
Nền kinh tế của Nhật Bản tăng trưởng tốt hơn nhiều so với dự báo, khi xuất khẩu tăng đột biến trong khi đầu tư kinh doanh và tiêu dùng cá nhân không đạt được kỳ vọng.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6% so với cùng kỳ trong quý hai, mức tăng mạnh nhất kể từ quý IV/2020, theo dữ liệu từ Văn phòng Nội các công bố vào thứ Ba. Con số vượt dự báo 2.9% của các nhà kinh tế. Xuất khẩu ròng đóng góp 1.8% vào sự mở rộng so với dự báo 0.9%.
Dữ liệu vào thứ Ba cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tiếp tục phục hồi từ đại dịch. Quy mô nền kinh tế tăng lên 560.7 nghìn tỷ yên (3.85 nghìn tỷ USD), mức cao nhất từ trước đến nay, vượt qua đỉnh trước đại dịch. Kết quả này phù hợp với quan điểm tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 cho Nhật Bản lên 1.4%.
Tuy nhiên, kết quả mạnh mẽ đi kèm với những hạn chế, khi một phần lớn tăng trưởng đến từ nhu cầu ngoài quốc gia.
"Tôi không thể nói mọi thứ đều tốt khi xem xét nội dung. Chỉ có xuất khẩu ròng vượt xa dự đoán trong khi tiêu dùng yếu đi và vẫn còn thấp hơn mức trước đại dịch," Taro Saito, trưởng phòng nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI nói. "Tôi có thể nói rằng điều này sẽ không phải là yếu tố để tiến tới chính sách bình thường hóa của BOJ."
Dữ liệu thương mại cho thấy xuất khẩu phục hồi mạnh trong quý vừa qua, dẫn đầu bởi việc xuất khẩu ô tô đến Mỹ và Châu Âu. Hiện chưa rõ liệu đà tăng có bền vững hay không, khi các nhà kinh tế nhận thấy những vướng mắc phía trước ở Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu.
Số lượng du khách nhập cảnh tăng, sự đóng góp của họ cũng được tính vào thành phần xuất khẩu ròng của GDP, cung cấp đòn bẩy kinh tế lớn sau khi chính phủ nới lỏng kiểm soát biên giới vào cuối tháng 4. Số lượng du khách nước ngoài đã phục hồi hơn 70% so với mức trước đại dịch tính đến tháng 6, theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản. Dữ liệu cho tháng 7 dự kiến sẽ được công bố vào thứ Tư.
Dự kiến chi tiêu du lịch sẽ đóng vai trò lớn hơn từ tháng 8 sau khi Trung Quốc tuần trước đã nới lỏng lệnh cấm du lịch nhóm. Du khách Trung Quốc chiếm hơn một phần ba trong tổng số hơn 1 nghìn tỷ yên cho các khoản chi này vào năm 2019.
"So với quý I, cải thiện trong tiêu dùng đã yếu đi," Harumi Taguchi, kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence nói. "Giá cả tăng đang ngày càng khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua sắm."
Vốn đầu tư của doanh nghiệp không đổi, so với dự báo tăng 0.4%, trong khi tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn 50% tổng GDP, giảm 0.5%.
Những dấu hiệu suy yếu trong nước có thể dập tắt đồn đoán của thị trường rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ dùng số liệu tốt làm lý do từ bỏ chính sách siêu nới lỏng của mình hay không, như Thống đốc Kazuo Ueda đã trích dẫn những bất ổn ở thị trường nước ngoài trong các bình luận gần đây.
Trong báo cáo triển vọng mới nhất của mình, BOJ cho biết nhu cầu nước ngoài có thể yếu đi trong những tháng tiếp theo, nói rằng "Xuất khẩu và sản xuất dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc trong quá trình phục hồi của nền kinh tế nước ngoài chủ yếu do tác động của áp lực lạm phát toàn cầu và việc tăng lãi suất chính sách bởi các ngân hàng trung ương."
Tuy nhiên, kết quả này có thể là tin vui đối với Thủ tướng Fumio Kishida khi ông tìm muốn tăng trưởng tích cực để cải thiện tín nhiệm với dân chúng, sau khi chịu nhiều chỉ trích khi việc triển khai thẻ ID mới cho công dân gặp vấn đề.
Sự suy yếu của JPY đang gây áp lực lên nhu cầu nội địa khiến chi phí hàng hóa nhập khẩu tăng lên. "Giá nhập khẩu cũng đang tăng do đồng Yên yếu cùng các yếu tố khác, gây áp lực giảm lên nhập khẩu," Shumpei Goto, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản nói.
Tác động này có thể kéo dài khi đồng yên giảm xuống mức yếu nhất so với USD kể từ tháng 11.
Bloomberg