Giá dầu đậu nành tăng lên mức kỷ lục

Giá dầu đậu nành tăng lên mức kỷ lục

17:04 09/06/2021

Giá dầu đậu nành tăng lên mức cao nhất trong lịch sử do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp dầu diesel tái tạo hay còn gọi là diesel sinh học, một loại nhiên liệu có tính chất tương đương với nhiên liệu dầu diesel nhưng không phải được sản xuất từ dầu mỏ mà từ dầu thực vật hay mỡ động vật.

Bên trong một nhà máy chế biến đậu nành ở Greenwood, bang Missouri, Mỹ. Ảnh: Bloomberg
Bên trong một nhà máy chế biến đậu nành ở Greenwood, bang Missouri, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Giá dầu đầu nành đã tăng 71% trong năm nay

Giá các hợp đồng tương lai dầu đậu nành trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) đã tăng hơn 71% trong năm nay, đóng cửa ở mức gần 73,74 cent / pound (0,453 lít) vào hôm 7-6, vượt qua mức kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2008. Giá dầu đậu nành tăng do nguồn cung đậu nành suy giảm khi nhu cầu sử dụng đậu nành để chế biến thực phẩm thức ăn chăn nuôi và sản xuất nhiên liệu sinh học tăng vọt.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nguồn cung đậu nành toàn cầu trong tháng 9 tới sẽ giảm 10,3% về mức 86,55 triệu tấn, thấp nhất trong 5 năm qua . Trong tháng 5, các hợp đồng đậu nành tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã tăng cao tới 16,43 đô la / bushel vào tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 9-2012 do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Sức ép tăng giá của dầu đậu nành sẽ duy trì trong những tháng tới khi các công ty chế biến gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đủ nguồn cung để ép đậu nành thành dầu và bã với sản lượng đạt mức mong muốn. Các công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp bao gồm Cargill (Mỹ) đã thông báo kế hoạch đầu tư mở rộng công suất chế biến đậu nành.

Dầu đậu nành thường được sử dụng như một thành phần trong các loại thực phẩm như ngũ cốc, bánh mì và các loại thực phẩm ăn nhẹ khác. Tuy nhiên, nhu cầu về dầu thực vật cũng đang tăng lên trong ngành công nghiệp diesel tái tạo giữa lúc Tổng thống Mỹ, Joe Biden kêu gọi thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo để giảm 50% lượng phát thải carbon vào năm 2030.

Greg Morris, Chủ tịch bộ phận kinh doanh hạt có dầu và dịch vụ nông nghiệp của Công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp và chế biến thực phẩm Archer Daniels Midland (ADM) cho biết: “Nhiên liệu sinh học, đặc biệt là dầu diesel tái tạo, là động lực chính cho bức tranh nhu cầu về mặt hàng dầu thực vật”.

Sự gia tăng nhu cầu dầu diesel tái tạo

Các nhà sản xuất đang chạy đua để đáp ứng kịp nhu cầu dầu diesel tái tạo. Hồi tháng trước, tập đoàn thực phẩm ADM cho biết họ sẽ đầu tư 350 triệu đô la Mỹ để xây dựng một nhà máy nghiền đậu nành mới ở Spiritwood, bang Bắc Dakota, nơi đậu nành thô được sản xuất thành các sản phẩm như dầu và bã đậu nành. ADM cho biết nhà máy này sẽ khai trương cửa trước vụ thu hoạch năm 2023, chế biến lên đến 150.000 bushel (1 bushel tương đương tương đương 27,2 kg) đậu nành mỗi ngày.

ADM không phải là công ty nông nghiệp lớn duy nhất mở rộng công suất chế biến đầu nành. Hồi tháng 3, Cargill cho biết sẽ chi 475 triệu đô la để nâng cấp các cơ sở nghiền đậu nành trên khắp bảy tiểu bang.

Hồi tháng 4, Cargill công bố thành lập liên doanh với Công ty Love ’s Family of Companies để xây dựng một nhà máy sản xuất diesel tái tạo mới ở Hastings, bang Nebraska. Sau khi khai trương, nhà máy này sẽ cung cấp cho thị trường 80 triệu gallon diesel tái tạo mỗi năm. Roger Watchorn, người đứng đầu chuỗi cung ứng nông nghiệp của Cargill, nói: “Quan điểm của Cargill là chúng tôi cần có sự hiện diện nào đó trên thị trường nhiên liệu tái tạo để nắm rõ về nó”.

Các công ty năng lượng lớn bên ngoài lĩnh vực nông nghiệp cũng đang nhảy vào ngành công nghiệp nhiên liệu tái tạo. Cách đây 2 tháng, Công ty dầu khí Phillips 66 xác nhận đã mua cổ phần của một nhà máy chế biến đậu nành có trụ sở ở bang Iowa. Alan Weber, đối tác sáng lập Công tư tư vấn nhiên liệu sinh học MARC-IV, nói: “Với một số công ty mới tham gia vào thị trường, họ đang tìm cách đảm bảo chuỗi cung ứng của mình”.

Arlan Suderman, nhà kinh tế hàng hóa của StoneX Group, nói: “Sự hào hứng dành cho thế hệ nhiên liệu tái tạo mới giống như những gì chúng ta đã chứng kiến trong những ngày đầu của thời kỳ bùng nổ nhiên liệu sinh học ethanol”.

Juan Sacoto, Giám đốc tư vấn kinh doanh nông nghiệp phụ trách Bắc Mỹ của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, cho biết các nguyên liệu thô khác, chẳng hạn như mỡ động vật đã qua sử dụng, tạo ra nhiên liệu sinh học tốt hơn nhưng không có đủ nguồn cung những phế phẩm đó.

IHS dự báo rằng ngành nhiên liệu sinh học sẽ cần 20 tỉ pound nguyên liệu trong năm nay và con số này sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới. Các vấn đề về nguồn cung toàn cầu cũng là một yếu tố đẩy tăng giá các loại dầu thực vật. Ở Đông Nam Á, tình trạng thiếu lao động do tác động của đại dich Covid-19 đã làm giảm sản lượng dầu cọ, một loại dầu cũng được sử dụng để sản xuất diesel sinh học.

Dự trữ dầu cọ trên toàn thế giới đang ở mức thấp nhất trong 4 năm qua. Kyle Holland, nhà phân tích ở Công ty Mintec, cho biết không có giải pháp nhanh chóng nào cho vấn đề nguồn cung dầu thực vật. Tại một hội nghị trực tuyến hồi tháng 5, Holland nói rằng có thể đến năm 2022, thị trường dầu thực vật mới trở lại bình thường.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lĩnh vực nhiên liệu sinh học sẽ tiêu thụ 12 tỉ pound (5,44 tỉ lít) dầu đậu nành trong năm tài chính 2021-22,  tăng từ mức ước tính 9,5 tỷ pound trong giai đoạn 2020-21. Theo dữ liệu từ Công ty dịch vụ tài chính StoneX Group, công suất sản xuất dầu đậu nành của Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 935 triệu gallon (3,5 tỉ lít) trong năm 2021, gần gấp đôi so với năm ngoái. Đến năm 2023, công suất này dự kiến sẽ tăng lên đến hơn 2 tỉ gallon mỗi năm.

Saigontimes tổng hợp theo WSJ

Broker listing

Cùng chuyên mục

Rủi ro đối với thị trường hàng hoá đang "nóng" hơn bao giờ hết khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

Rủi ro đối với thị trường hàng hoá đang "nóng" hơn bao giờ hết khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

Sau hơn 1,000 ngày chiến sự, thị trường dường như đã quen với khả năng leo thang trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây - từ việc Kyiv sử dụng tên lửa được Mỹ cho phép để tấn công các mục tiêu tại Nga, đến việc Tổng thống Vladimir Putin cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công phi hạt nhân được hỗ trợ bởi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - đang đẩy xung đột lên một cấp độ đáng lo ngại.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ