Giá dầu giằng co tại vùng đỉnh cũ, trước tin hồi phục sản lượng từ Libya
Giá dầu thô kỳ hạn cho thấy sự điều chỉnh, giảm nhẹ ở hai phiên ngày thứ sáu 07/01 và thứ hai 10/01 sau khi tăng 16% từ vùng đáy 66.12 USD vào ngày 20/12/2021
Giá dầu thô kỳ hạn cho thấy sự điều chỉnh, giảm nhẹ ở hai phiên ngày thứ sáu 07/01 và thứ hai 10/01 sau khi tăng 16% từ vùng đáy 66.12 USD vào ngày 20/12/2021. Điều này đến từ việc thị trường trở nên thận trọng hơn tại vùng đỉnh cũ 81.7 USD, tuy vẫn gặp nhiều hạn chế về mặt sản lượng khai thác trong thời gian này (cụ thể là đến từ phía các thành viên khối OPEC+ như Libya và Kazakhstan lẫn Mỹ) nhưng cũng giảm mạnh về mặt nhu cầu tiêu thụ đến từ phía của Trung Quốc – nhà tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 và nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Sản lượng xăng dầu Mỹ giảm do thời tiết lạnh bất thường ảnh hưởng đến công suất khai thác và vận chuyển dầu thô
Thời tiết tác động đến việc vận chuyển dầu thô qua các đường ống, cụ thể là đường ống Keystone với công suất 600,000 thùng/ngày vận chuyển dầu thô từ Tây Canada sang North Dakota, khu Midwest - Trung Tây Hoa Kỳ tại Mỹ. Midwest là khu vực quản lý xăng dầu thuộc quận 2 - là khu vực tinh luyện xăng dầu lớn thứ hai với sản lượng dầu thô chỉ đứng sau khu vực quận 3 - vùng Vịnh Gulf Coast tại Mỹ. Thông thường, Midwest là khu vực nhập khẩu dầu thô thương mại lớn nhất tại Mỹ, với khối lượng nhập khẩu đạt khoảng 3.12 triệu thùng/ngày vào tuần kết thúc ngày 31/12, chiếm đến 53% trong số tổng lượng dầu thô thương mại nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, do tác động từ hiện tượng thời tiết bất thường tại quốc gia này, lượng dầu thô nhập khẩu đã giảm chạm mốc thấp nhất trong vòng 6 tháng.
Cơ cấu sản lượng dầu thô của từng bang trong khu vực Midwest tại Mỹ
Theo đó, có thể thấy rằng sản lượng xăng thành phẩm tại Mỹ (chiếm đến hơn 43% nhu cầu tiêu thụ của dầu thô) trong tuần cuối tháng 12 chỉ đạt 8.5 triệu thùng/ngày, chạm mốc thấp kỷ lục so với cùng kỳ mọi năm. Điều này thể hiện cho việc sản lượng dầu thô tại quốc gia này đang không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất xăng dầu thành phẩm, bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu mạnh mẽ của Mỹ. Đặc biệt, việc giảm khối lượng nhập khẩu dầu thô và sản lượng xăng dầu còn xảy ra trong bối cảnh tồn kho dầu thô Mỹ ngày càng sụt giảm, thấp hơn mức tồn kho đầu năm đến 9.18%.
Sản lượng hồi phục tại Libya sau khi hoàn thành sữa chữa lỗi đường ống ngày 10/1/2022
Mặc dù có các tin cơ bản hỗ trợ rất tốt cho các xu hướng trung-dài hạn tăng trưởng, trong các phiên gần đây, dầu thô kỳ hạn lại đi theo xu hướng tích luỹ là chủ yếu. Điều này một phần đến từ việc Libya công bố hồi phục sản lượng lên 900,000 thùng/ngày từ mức cũ 700,000 thùng/ngày trong tuần trước do đã hoàn thành sửa chữa xong đường ống Zawia với công suất 200,000 thùng/ngày. Cộng với việc chính phủ Kazakhstan cho biết đang dần lấy lại quyền kiểm soát ở Almaty – nơi bắt nguồn cuộc bạo loạn tại quôc gia này nhờ vào lực lượng vũ trang Nga gửi đến để đàn áp vào thứ 5 tuần trước dường như đã khiến thị trường hợp đồng tương lai dầu thô trở nên cẩn trọng hơn. Thực tế, hầu như xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong tuần trước của dầu thô là nhờ sự thúc đẩy của các cuộc bạo loạn ở hai quốc gia thuộc OPEC+ trên, do thị trường dầu thô tin rằng nguồn cung ở các quốc gia này sẽ bị tác động nặng nề.
Tuy nhiên, nếu xét về xu hướng các tuần tiếp theo, con số sản lượng sau khi sửa chữa đường ống của Libya vẫn thấp hơn 22.22% so với mức sản lượng trung bình năm 2021 của nước này, rơi vào khoảng 1.1 triệu thùng/ngày. Đồng thời, mặc dù chính quyền Kazakhstan đang cố gắng dùng vũ lực đàn áp các cuộc bạo loạn trên toàn quốc, tác động tiêu cực đến sản lượng dầu thô của quốc gia này dự kiến vẫn sẽ tiếp tục kéo dài, dựa trên các thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên, lao động và cơ sở vật chất mà các cuộc nổi dậy để lại. Ghi nhận gần đây nhất cho biết, tình trạng nghiêm trọng của các cuộc biểu tình đã làm ảnh hưởng công suất khai thác tại mỏ dầu lớn nhất Kazakhstan là Tengiz, với sản lượng khoảng 720,000 thùng/ngày vào tháng 12, chiếm đến 44% hạn ngạch cho sản lượng dầu thô sản xuất tháng 2 của nước này.
Dù hiện tại giá đang giằng co tại vùng đỉnh cũ tháng 10 nhưng SFI Research vẫn giữ vững quan điểm rằng các tin tức cơ bản hầu như có xu hướng hỗ trợ cho giá dầu thô tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý SFI Research tin rằng trong quý 1 năm nay, giá dầu thô kỳ hạn sẽ tăng trưởng chậm rãi hơn so với đà tăng của năm 2021, do các tác động từ yếu tố vĩ mô bao gồm Cục Dự Trữ Liên Bang (FED) nâng lãi suất; tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP) chậm lại và sức mua hàng từ Trung Quốc yếu đi. Điều này có nghĩa là việc quản trị rủi ro và xác định điểm mua, điểm bán chính là các vấn đề nên được nhà đầu tư chú trọng.
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
- Hotline: 0286 686 0068
- Website: https://saigonfutures.com/
- Fanpage: Saigon Futures Inc.