Giá dầu tăng do lo ngại xung đột leo thang ở Trung Đông
Trà Giang
Junior Editor
Giá dầu đã tăng trong hai phiên giao dịch liên tiếp, phản ánh lo ngại ngày càng tăng về khả năng gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông, sau khi Israel tăng cường tấn công nhóm chiến binh Palestine Hamas và các lực lượng được Iran hậu thuẫn trong khu vực.
Giá dầu thô Brent giao tháng 11 tăng 1.12 USD, tương đương 1.56%, lên mức 73.10 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô Brent kỳ hạn tháng 12 tăng 1.04 USD, tương đương1.45%, đạt mức 72.58 USD/thùng.
Giá dầu thô WTI của Mỹ cũng tăng 93 cent, tương đương 1.36%, lên mức 69.11 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu Brent giảm khoảng 3% và giá dầu WTI giảm khoảng 5% do lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu, đặc biệt là sau khi các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nước nhập khẩu dầu hàng đầu - không đạt được hiệu quả như mong đợi trong việc tăng cường niềm tin thị trường.
Sang đầu tuần này, giá dầu được hỗ trợ bởi khả năng một cuộc xung đột Trung Đông mở rộng có thể trực tiếp tác động đến Iran, một nước sản xuất chính và thành viên của OPEC, sau khi Israel tăng cường tấn công nhóm vũ trang Hezbollah và Houthi mà Iran hậu thuẫn.
Thị trường đang phải đối mặt với hai áp lực trái chiều. Theo Priyanka Sachdeva, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Phillip Nova, nguồn cung dầu dư thừa là một trong những mối quan ngại chính đối với thị trường năng lượng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng lo ngại rằng xung đột khu vực tại Trung Đông cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung từ các khu vực sản xuất chủ chốt.
Hamas cho biết một cuộc không kích của Israel đã giết chết lãnh đạo của họ ở Liban vào thứ Hai. Một tổ chức khủng bố Palestine khác cũng tuyên bố 3 lãnh đạo của họ đã bị giết trong một vụ không kích ở Beirut.
Trước đó, vào Chủ Nhật, Israel đã tiến hành các cuộc không kích nhắm vào lực lượng Houthi ở Yemen và hàng chục mục tiêu của Hezbollah trên khắp Liban, sau khi tiêu diệt lãnh đạo Hezbollah.
Trong bối cảnh Israel tấn công quyết định vào Hezbollah, giá dầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cung và cầu, theo nhận định của Tony Sycamore, nhà phân tích thị trường tại IG.
Việc OPEC+ sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh hạn chế sản lượng tự nguyện là 2.2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 12 đang làm gia tăng thêm sự lo lắng của thị trường, giá dầu WTI có thể sẽ giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2021 là khoảng 61-62 USD/thùng, ông Sycamore cho biết.
"Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc gần đây đã có sự điều chỉnh chính sách tiền tệ, nhưng không rõ điều này có dẫn đến nhu cầu nhiên liệu cao hơn hay không, đặc biệt khi Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh quá trình điện khí hóa và giảm carbon trong ngành giao thông," ông nói thêm.
Dữ liệu được công bố vào hôm nay cho thấy không có nhiều tín hiệu khả quan về nhu cầu, khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc co lại trong tháng thứ 5 liên tiếp và lĩnh vực dịch vụ giảm mạnh trong tháng 9.
Thị trường đang chờ đợi những tín hiệu từ Chủ tịch Fed Jerome Powell về tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Bảy nhà hoạch định chính sách khác của Fed cũng sẽ đưa ra phát biểu trong tuần này, theo ghi chú của các nhà phân tích ANZ.
Nhà phân tích thị trường Sachdeva từ công ty Phillip Nova nhận định rằng việc các NHTW và Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phục hồi.
Sachdeva cho biết, việc giá dầu tăng hay giảm trong tương lai sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính: mức độ người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn khi lãi suất giảm và tốc độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau khi nước này bơm tiền vào thị trường.
investing