Giá dầu thô tiếp tục tăng cao trước rủi ro thiếu hụt sản lượng toàn cầu
Thị trường ngày 21/03 đã có diễn biến hưng phấn trong sắc xanh
Diễn biến thị trường ngày 21/03/2022
Dầu thô tiếp tục có sự hồi phục tăng mạnh, do OPEC + đã bỏ lỡ mục tiêu sản xuất hơn 1 triệu thùng mỗi ngày (bpd). Đối với nhóm nông sản, mưa lớn ở Brazil đã làm trì hoãn đáng kể tốc độ thu hoạch đậu tương, gây ảnh hưởng tích cực lên giá. Đồng thời, giá ngô tăng khi các rủi ro địa chính trị tại khu vực Biển Đen vẫn còn.
Tin tức thị trường
Các quan chức Mỹ và Anh sẽ bắt đầu hai ngày họp tại Baltimore vào thứ Hai để thảo luận về việc tăng cường quan hệ thương mại, khi Hoa Kỳ và các đồng minh gây áp lực lên Nga về cuộc chiến ở Ukraine. Các quan chức cho biết hai bên đang “đạt được tiến bộ” trong các cuộc đàm phán riêng về giải quyết tranh chấp về thuế quan đối với thép và nhôm của Hoa Kỳ.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã bắt đầu đàm phán về một vòng trừng phạt cứng rắn thứ năm có thể xảy ra đối với Nga, bao gồm lệnh cấm vận đối với lĩnh vực dầu khí của nước này. Tuy nhiên, các nước EU vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga và không thể cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng trong ngắn hạn. Các nhà ngoại giao nói với Reuters rằng các nước Baltic bao gồm Lithuania đang thúc đẩy lệnh cấm vận là bước đi hợp lý tiếp theo, trong khi Đức, quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, đang cảnh báo nên thận trọng vì giá năng lượng ở châu Âu vốn đã cao.
Nhà hoạch định nhà nước của Trung Quốc đã yêu cầu các công ty lớn giải phóng 1 triệu tấn dự trữ kali nhà nước. Cơ quan cũng đang tổ chức để cung cấp kịp thời lượng phân kali nhập khẩu ra thị trường để đảm bảo nguồn cung trong vụ gieo cấy vụ xuân. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng sẽ làm việc với các ban ngành khác và thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất phân bón trong nước, tăng cường nhập khẩu và giải phóng nguồn dự trữ phân bón để đảm bảo nguồn cung.
Lịch sự kiện
Nhóm năng lượng
Khi các quốc gia Liên minh Châu Âu cân nhắc việc tham gia với Mỹ trong lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, một cuộc tấn công vào cuối tuần nhằm vào các cơ sở dầu của Ả Rập Xê Út đã gây ra nhiều lo lắng. Rất ít dấu hiệu cho thấy xung đột đã giảm bớt, trọng tâm chính là liệu thị trường có thể thay thế các nguồn cung dầu của Nga hiện đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hay không.
OPEC + đã bỏ lỡ mục tiêu sản xuất hơn 1 triệu thùng mỗi ngày (bpd) vào tháng Hai, theo thỏa thuận là để tăng sản lượng lên 400,000 bpd mỗi tháng khi OPEC + rút lại các đợt cắt giảm mạnh được thực hiện vào năm 2020. Hai quốc gia OPEC có khả năng tăng sản lượng ngay lập tức là Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho đến nay đã chống lại lời kêu gọi từ các quốc gia tiêu thụ lớn nhằm tăng sản lượng nhanh hơn để giúp giảm giá dầu.
Đánh giá: Tích cực
Đậu tương
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (CGAC) cho thấy nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Brazil từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2022 đã tăng đáng kể so với năm trước. Nhà nhập khẩu đậu tương hàng đầu thế giới đã nhập 3.51 triệu tấn đậu tương từ Brazil trong hai tháng đầu năm nay, tăng 241% so với mức được ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Hải quan Trung Quốc đã thông quan hơn 2.22 triệu tấn đậu tương của Brazil vào tháng Giêng và gần 1.29 triệu tấn vào tháng Hai năm nay.
Đồng thời, số liệu Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cho thấy quốc gia này đã nhập khẩu 10.04 triệu tấn đậu tương từ Mỹ trong hai tháng đầu năm 2022, giảm 16% so với mức 11.9 triệu tấn được ghi nhận một năm trước. Trong tháng Giêng, Trung Quốc đã nhập khẩu 6.33 triệu tấn đậu tương từ Mỹ và trong tháng Hai, nước này nhập khẩu 3.71 triệu tấn.
Giá đậu tương ghi nhận mức tăng điểm trong phiên ngày hôm qua khi tiến độ thu hoạch tại Nam Mỹ không có được những tín hiệu khả quan. Điều này che lấp đi các số liệu thành tra xuất khẩu kém tích cực của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 17/03 với mức giảm 32% so với tuần trước đó (Trung Quốc vẫn là điểm đến hàng đầu của đậu tương Mỹ).
Công ty tư vấn Pátria AgroNegócios của Brazil báo cáo rằng gần 72% sản lượng đậu tương 2021/22 của nước này đã được thu hoạch, một số khu vực có lượng đậu tương thu hoạch kém khả quan so với con số kỳ vọng ban đầu. Xuất khẩu đậu tương Brazil trong tuần thứ 3 của tháng 3 ở mức 3 triệu tấn, giảm so với mức 4.4 triệu tấn được báo cáo tuần trước. Trung bình đạt 571,036 tấn/ngày, tăng 3.5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu khô đậu tương ở mức 80,055 tấn/ngày, tăng 49.4% so với cùng kỳ năm trước là 53,589 tấn.
Đánh giá: Tiêu cực
Khô đậu tương và dầu đậu tương
Chính phủ Argentina đã tăng thuế xuất khẩu đối với dầu đậu tương và khô đậu tương lên 33%. Cùng với sự thay đổi đó, thuế xuất khẩu đối với dầu diesel sinh học làm từ dầu đậu tương (SME) cũng được tăng lên 30%. Theo Agricensus, việc tăng thuế xuất khẩu sẽ gây bất lợi trực tiếp cho nông dân, vì họ không thể trả mức thuế cao hơn và nó có thể không khuyến khích việc sản xuất đậu tương thành phẩm nội địa, giúp hỗ trợ cho giá dầu đậu và khô đậu tương. Argentina là nước xuất khẩu dầu đậu tương và khô đậu tương lớn nhất toàn cầu, dự báo sẽ xuất khẩu 5.9 triệu tấn dầu đậu tương và 32 triệu tấn khô đậu tương trong niên vụ 2021/22, theo USDA.
Đánh giá: Tích cực
Ngô
Giá ngô tăng điểm trong phiên giao dịch ngày hôm qua khi các rủi ro địa chính trị tại khu vực Biển Đen vẫn còn. Báo cáo thanh tra xuất khẩu ngô ở mức 57.7 triệu giạ trong tuần kết thúc ngày 17/03, tăng 28% so với tuần trước đó. Trong đó, Trung Quốc là điểm đến hàng đầu của ngô Mỹ trong thời gian vừa qua. Còn tại Nam Mỹ, vụ ngô thứ 2 của Brazil vẫn được theo dõi sát sao. Theo Matthew Kruse, chủ tịch của Commstock Investments lưu ý rằng vụ ngô thứ 2 của Brazil cần có được thời tiết tốt, tức là có mưa duy trì cho đến ít nhất là tháng 4 thì mới đảm bảo được vụ mùa. Theo ghi nhận, xuất khẩu ngô trong tuần thứ 3 tháng 3 của Brazil ở mức 9,026 tấn, tuần trước 2.827 tấn. Trung bình ở mức 925 tấn/ngày, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 12,696 tấn. Hàn Quốc trong phiên ngày hôm qua ghi nhận thu mua 2.4 triệu giạ ngô từ Mỹ, hàng sẽ cập cảng vào ngày 15/06.
Đánh giá: Tích cực
Lúa mì
Dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Ngũ cốc Quốc gia của Trung Quốc (NGTC) cho thấy khối lượng dự trữ lúa mì được bán tại các cuộc đấu thầu của Trung Quốc giảm nhẹ so với tuần trước. Tổng doanh số hàng tuần đạt 522.804 tấn và chiếm 99.61% tổng lượng chào bán là 524.804 tấn. Khối lượng lớn nhất đến từ tỉnh Hà Nam (443,841 tấn), An Huy (50,024 tấn) và Tân Cương (21,189 tấn). Phiên đấu giá lúa mì dự trữ tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày 23 tháng 3, với khoảng 550,000 tấn sẽ được bán.
Nga đang xuất khẩu nhiều lúa mì hơn qua các cảng Biển Đen của họ do các tuyến đường qua Biển Azov vẫn bị hạn chế, trong khi giá lúa mì nội địa tăng trong tuần trước do đồng rúp suy yếu. Dmitry Rylko, người đứng đầu công ty tư vấn IKAR ag cho biết: “Xuất khẩu đang diễn ra. Nếu thời tiết cho phép – hiện tại Biển Đen không ổn định do gió mạnh – Nga sẽ xuất khẩu hơn 2 triệu tấn lúa mì trong tháng 3.” SovEcon, một công ty tư vấn khác, cho biết: Các thương nhân báo cáo một số vấn đề với các khoản thanh toán từ nước ngoài khi các ngân hàng từ chối gửi tiền ngay cả đến các tổ chức không bị trừng phạt, nhưng tình hình chung có vẻ được cải thiện. Nga tiếp tục tích cực vận chuyển lúa mì, chủ yếu từ các cảng ở Biển Đen của họ. ”
Ấn Độ không phải là nước xuất khẩu lúa mì lớn, mặc dù là nhà sản xuất số 2 trên thế giới. Ấn Độ chiếm 14% tổng sản lượng toàn cầu nhưng chưa đến 1% xuất khẩu thế giới. Tuy nhiên, quốc gia này đang có một kho dự trữ dồi dào và được cho là đang đàm phán với Ai Cập, Israel, Oman, Nigeria và Nam Phi về việc ký kết các đơn hàng tiềm năng. Một số ước tính dự đoán tổng xuất khẩu lúa mì từ Ấn Độ sẽ đạt 150 triệu giạ trong năm nay.
Đánh giá: Tích cực