Giá đậu tương giằng co trong bối cảnh Argentina ngưng xuất khẩu và Trung Quốc phong toả
Giá đậu tương kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hoá CBOT trong các phiên gần đây có xu hướng đi ngang, và dự kiến xu hướng sẽ còn có thể tiếp tục kéo dài cho đến 1-2 tuần nữa.
Trong ngắn hạn, giá đậu tương chịu áp lực tiêu cực trước việc các cảng của Trung Quốc đang phải đối mặt với những gián đoạn và biện pháp phong toả mới khi số ca nhiễm Covid-19 trong nước gia tăng mạnh. Việc áp dụng các biện pháp phong toả ngay lập tức ở một số thành phố lớn, gây hạn chế hoạt động về mặt vận tải và buộc một số công ty, kho hàng đóng cửa, đồng thời gây cản trở về mặt nhập khẩu nông sản của quốc gia này. Cùng lúc, điều kiện thời tiết được cải thiện tại Argentina cũng là một yếu tố tác động tiêu cực lên giá đậu tương CBOT. Tuy nhiên, trước sự hỗ trợ của việc xuất khẩu khô đậu tương và dầu đậu tương bất ngờ sụt giảm tại Argentina, giá đậu tương phần nào lại được hỗ trợ tránh việc giảm quá sâu.
Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc gây cản trở nhập khẩu đậu tương
Vào ngày 14/03, thành phố cảng Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc đã bắt đầu phong tỏa toàn thành phố kéo dài 7 ngày, cùng với các thành phố lớn khác như Thượng Hải và thành phố Đông Bắc Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm. Trước đó vào ngày 13/03, SEKO Logistics đã đưa ra một báo cáo cho biết sự lây lan của vi rút Omicron đã gây ra tình trạng ngưng đọng hoạt động tại một số cảng và hoạt động hậu cần của Trung Quốc trải dài từ Thâm Quyến đến Thượng Hải. Một số công ty hậu cần nội địa lớn như SEKO Logistics và hãng vận tải biển Maersk cũng đã đưa ra thông báo đóng cửa trong những ngày trên, với lí do rằng xe tải từ bên ngoài Thâm Quyến khó có thể đi vào bên trong thành phố. Tuy có nhiều cảng biển được cho là vẫn có thể duy trì hoạt động, việc phong toả tối đa sẽ tác động đến chất lượng dịch vụ hậu cần và gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự chậm trễ trong việc chuyển và nhận hàng hóa tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là yếu tố tiêu cực trong ngắn hạn. Một khi đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và các hoạt động vận tải trở về với năng suất như bình thường, Trung Quốc vẫn sẽ cần gia tăng nhu cầu nhập khẩu đậu tương, thậm chí với tốc độ nhanh hơn để lấp đầy mức tồn kho thấp kỷ lục của mình. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung dầu thực vật trên thị trường thế giới và nhu cầu tiêu thụ đậu tương ước tính được gia tăng trong tương lai, tồn kho ở Trung Quốc công bố ngày 10/03 lại chỉ đạt 2.94 triệu tấn, tương đương thấp hơn 41% so với trung bình nhiều năm qua.
Tình hình thời tiết tại các bang trồng đậu tương tại Nam Mỹ
Một yếu tố tác động tiêu cực lên giá đậu tương khác chính là thời tiết tại vùng Nam Mỹ. Trong tuần kết thúc vào ngày 12/03/2022, lượng mưa phổ biến trên các khu vực có đậu tương đang phát triển của Argentina và cả các bang miền Nam Brazil đang gặp vấn đề về hạn hán. Độ ẩm có thể sẽ giúp ổn định phần nào chất lượng các vụ trồng đậu tương sau của Argentina và thậm chí có thể cải thiện vụ đậu tương 2021/22 được trồng mới nhất tại bang Rio Grande do Sul, cực nam của Brazil.
Lưu ý rằng, không giống như các bang miền Trung và miền Bắc, mùa đậu tương của Rio Grande do Sul bắt đầu và kết thúc muộn hơn một chút. Các bang có sản lượng đậu tương lớn ở Brazil như Mato Grosso đang tiến gần đến ngày hoàn thành thu hoạch, trong khi bang Paraná đã thu hoạch được nửa chặng đường, thì thu hoạch đậu tương ở Rio Grande do Sul mới chỉ bắt đầu lấy đà tăng tốc. Mới chỉ khoảng 1/5 cây trồng trong vụ mùa đang ở độ tuổi trưởng thành. Do đó, Rio Grande do Sul được xem là một trong các bang trồng đậu tương ít ỏi tại Brazil có sản lượng được hưởng lợi từ lượng mưa đến muộn này.
Theo dữ liệu từ WeatherTrends360, trong tuần kết thúc vào ngày 19/03/2022, xu hướng khô hạn hơn bình thường được dự báo sẽ quay trở lại phần lớn Argentina, với xu hướng khô hạn trên cả nước xếp vào hàng thứ sáu trong hơn 30 năm, từ đó có thể tiếp tục làm chất lượng cây trồng tại quốc gia này xấu đi. Tại Brazil, tuần thứ hai của tháng 3 hiện tại được dự báo có xu hướng ẩm ướt hơn bình thường và xếp hạng ẩm ướt thứ năm trong vòng 30 năm trở lại đây. Điều này có thể tiếp tục làm chậm quá trình thu hoạch đậu tương của người dân nội địa. Tuy nhiên, hầu hết các lợi ích từ lượng mưa trong các tuần gần đây ở Nam Mỹ vẫn chưa rõ ràng và chưa được ghi nhận lên ước tính sản lượng cây trồng.
Argentina dừng giao dịch dầu và khô đậu tương
Một tiêu điểm khác của đậu tương trong tuần này là vào ngày 14/03, Thư ký phụ của thị trường nông sản Argentina thông báo tạm dừng các nhà kinh doanh nông nghiệp đăng ký xuất khẩu khô đậu tương và dầu đậu tương, diễn ra trong bối cảnh trước vụ thu hoạch 2021/22 của quốc gia này vài tuần. Điều này ngược lại với các tin tiêu cực, góp phần hỗ trợ bù lại cho giá đậu tương kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hoá CBOT, khiến giá đi ngang trong các phiên gần đây. Đây là một động thái mà nước này thường thực hiện trước khi tăng thuế đối với các lô hàng xuất khẩu, trong bối cảnh giá lương thực thực phẩm toàn cầu tăng cao. Khô đậu tương và dầu đậu tương hiện đang bị đánh thuế 31% và chưa rõ mức thuế mới trong tương lai, nhưng nhiều nguồn tin trên thị trường cho rằng tỷ lệ này có thể sẽ tăng lên 33%, do Chính phủ đang phải đối mặt với các khoản nợ cao, cần thêm thu nhập bằng đồng đô la và thu nhập từ thuế xuất khẩu.
Trên thực tế, Argentina là nước xuất khẩu khô đậu tương làm thức ăn chăn nuôi lớn nhất trên thế giới, chiếm hơn 41% thị phần xuất khẩu trên thị trường toàn cầu. Đây đồng thời cũng là quốc gia có sản lượng dầu đậu tương cao để dùng trong dầu ăn và pha trộn nhiên liệu sinh học, chiếm đến gần 48% thị phần xuất khẩu. Argentina dự báo sẽ xuất khẩu 28 triệu tấn khô đậu tương và 5.9 triệu tấn dầu đậu tương trong niên vụ 2021/22, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Dữ liệu của chính phủ cho thấy khoảng 5 triệu tấn dầu đậu tương và các sản phẩm phụ từ đậu nành khác từ chiến dịch 2021/22 đã được đăng ký chính thức và đang chờ được xuất khẩu.
Thêm vào đó, trong năm 2021, xuất khẩu trung bình hàng tháng của Argentina ước tính đạt 1.5 triệu tấn đối với khô đậu tương và 300,000 tấn đối với dầu đậu tương. Điều này có nghĩa là, thị trường sẽ tạm thời bị ngắt nguồn cung đối với 16.3 triệu tấn dầu đậu tương và các sản phẩm phụ cho đến khi có thông báo chính thức về tăng thuế xuất khẩu mới từ Chính phủ Argentina. Tuy nhiên, kể cả thế, việc tăng mức thuế xuất khẩu cũng sẽ khiến cho các công ty thu hẹp nguồn cung xuất khẩu ra thị trường thế giới, do giảm lợi nhuận. Điều này xét về dài hạn sẽ đóng vai trò hỗ trợ giá cho các mặt hàng kỳ hạn họ đậu, đặc biệt trong thị trường đang thiếu hụt nguồn cung dầu thực vật và nhu cầu tiêu thụ đậu tương gia tăng sau chiến sự Nga-Ukraine như hiện nay.
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
Hotline: 0286 686 0068
Website: https://saigonfutures.com/
Fanpage: Saigon Futures Inc