Giá đồng tăng ổn định bất chấp Trung Quốc tăng cường kiếm soát giá
Trong tuần qua, giá giao dịch của các hợp đồng 3-Month trên sàn LME tiếp tục ổn định ở vùng 9,900 - 10,000 $/tấn. Trong các phiên giao dịch qua, căng thẳng về tình hình chính trị giữa Ukraine và Nga đã trở thành tâm điểm ảnh hưởng tâm lý thị trường. Về nguồn cung, Glencore, một trong những công ty khai thác đồng hàng đầu thế giới, cho biết lượSng đồng khai thác trong năm 2021 của công ty giảm so với công suất do hàm lượng kim loại quặng thấp. Thêm vào đó, các chính sách bình ổn thị trường từ Trung Quốc cũng đã góp phần tăng triển vọng cho giá đồng.
Diễn biến thị trường trong tuần qua
Trong tuần kết thúc ngày 18/02, công ty khai thác Glencore cho biết lượng đồng khai thác được trong 2021 đã giảm 5% so với sản lượng 2020, xuống mức 1.196 triệu tấn. Công ty cho biết hàm lượng kim loại trong lớp quặng tại các mỏ ở Peru giảm do các mỏ đã có niên tuổi cao và đã khai thác qua lớp quặng dồi dào nhất. Về phía Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) và các cơ quan quản lý khác đã công bố 18 biện pháp trong một thông báo liên quan đến các chính sách tài khóa, tài chính, môi trường và nhiều chính sách khác để hỗ trợ lĩnh vực công nghiệp của nước này. NDRC cho biết các nhà chức trách sẽ đảm bảo nguồn cung và ổn định giá các sản phẩm sơ cấp và nguyên liệu đầu vào. NDRC cũng cho biết họ sẽ phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời quy mô lớn ở các vùng sa mạc Gobi. Qua đó, họ sẽ tạo động lực để hệ thống tài chính chuyển lợi nhuận sang nền kinh tế thực trong năm nay, thúc đẩy các ngân hàng quốc doanh cho các nhà sản xuất vay nhiều hơn và hỗ trợ các dự án lớn nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon.
Tồn kho và sản lượng đồng trên thế giới
Trong tuần kết thúc ngày 18/02, tồn kho đồng trên sàn giao dịch LME ổn định ở mức 74 nghìn tấn. Trên sàn SHFE, mức tồn kho được ghi nhận là 136,300 tấn, tiếp tục tăng gần 30 nghìn tấn sau kỳ nghỉ Tết Âm Lịch. Tuy con số này đã tăng hơn 238% so với trước Tết Âm Lịch, mức tồn kho này hiện vẫn thấp hơn trung bình các năm qua. Ngoài ra, tổng trung bình tồn kho của sàn LME và SHFE cho tháng 2 (dương lịch) tính đến tuần 18/02 đang thấp hơn 56% so với mức trung bình 5 năm trước 2021
Có thể thấy, việc chính quyền Trung Quốc tiếp tục triển khai các chính sách phát triển kinh tế với trọng tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp sẽ hỗ trợ cho nhu cầu đồng trong thời gian tới. Đặc biệt, các dự án hạ tầng và phát triển năng lượng mới được SFI Research dự đoán trước đó sẽ góp phần tác động tích cực lên tốc độ tiêu thụ đồng. Sự nhấn mạnh của chính quyền Trung Quốc lên việc kiểm soát giá nguyên liệu sẽ góp phần bình ổn giá đầu vào và tránh tình trạng đầu cơ giá hàng hóa. Trong năm 2021, chính quyền Trung Quốc và sàn giao dịch LME cũng đã có những cuộc điều tra để chống việc khống chế giá đồng. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ đồng và không thể chủ động trong quyền quyết định giá. Với mục tiêu phát triển công nghiệp, chính quyền Trung Quốc không thể can thiệp mạnh tay vào giá hàng hóa và chỉ có thể ổn định giá cả, giúp việc thay đổi (tăng/giảm) diễn ra có trật tự hơn. Do đó, trong ngắn hạn 2022, giá đồng sẽ được hỗ trợ từ nhu cầu tiêu thụ và việc tồn kho hạn hẹp. Theo phân tích của SFI Research, vào cuối năm 2022, sản lượng từ nhóm 5 công ty khai thác lớn hàng đầu thế giới sẽ tăng 3.5% so với 2021. Ngoài ra, trong 5 năm tới sẽ có những dự án mới đi vào hoạt động và sẽ góp phần giải tỏa áp lực lên nguồn cung. Việc giảm giá, tuy nhiên, sẽ không quá mạnh vì trong dài hạn hơn, số lượng mỏ mới vẫn thiếu hụt so với nhu cầu được dự tính từ các ngành công nghiệp xanh, như điện tái tạo và phương tiện vận tải điện.
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
Hotline: 0286 686 0068
Website: https://saigonfutures.com/
Fanpage: Saigon Futures Inc.