Giá quặng sắt giảm vì ‘ông lớn’ Australia, Brazil tăng xuất khẩu
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Các lô hàng quặng sắt từ Australia và Brazil đạt 26,14 triệu tấn trong tuần trước, tăng 1,1 triệu tấn so với cách đây 2 tuần. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Đại Liên giảm 1,5% xuống 1.198 nhân dân tệ (187,26 USD)/tấn.
Giá quặng sắt ngày 16/6 giảm vì sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp cung ứng tăng lên.
Các lô hàng quặng sắt từ Australia và Brazil đạt 26,14 triệu tấn trong tuần trước, tăng 1,1 triệu tấn so với cách đây 2 tuần, theo dữ liệu từ Mysteel Consulting.
Giá quặng sắt 62% nhập khẩu vào miền bắc Trung Quốc giảm 3,2%, còn ở mức 214,08 USD/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Đại Liên giảm 1,5% xuống 1.198 nhân dân tệ (187,26 USD)/tấn.
Giá thép ở Trung Quốc cũng hạ nhiệt so với ngày 15/6. Chẳng hạn như thép không rỉ, giá ngày 16/6 là 17.072 nhân dân tệ/tấn (2.658 USD/tấn), giảm 12,2 nhân dân tệ/tấn (1,9 USD/tấn) so với ngày 15/6.
Giá một số loại thép tại Trung Quốc trong ngày 16/6. Nguồn: Steel Home
Các doanh nghiệp lớn đã tăng cường sản xuất quặng vì tỷ suất lợi nhuận tốt. Sản lượng thép thô của Trung Quốc tháng 5 đạt kỷ lục 99,45 triệu tấn, theo thông tin từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Ngày 16/6, Trung Quốc cho biết họ sẽ giải phóng kho dự trữ kim loại chính của nước này, bao gồm đồng, nhôm và kẽm theo lô "trong tương lai gần".
Cụ thể, Trung Quốc sẽ bắt đầu bán các kim loại công nghiệp chính trong kho dự trữ của chính phủ trong bối cảnh giá sản xuất tăng mạnh nhất trong 13 năm qua, gây lo ngại về lạm phát toàn cầu. Kim loại sẽ được bán theo lô và thông qua chương trình đấu giá công khai cho các nhà sản xuất và chế biến kim loại.
Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Quốc gia Trung Quốc cho biết động thái trên sẽ đảm bảo nguồn cung và sự ổn định giá của hàng hóa số lượng lớn.
Trước tình hình trên, cổ phiếu khai khoáng và thép giảm. Cổ phiếu của Rio Tinto, BHP và ArcelorMittal SA giảm ít nhất 0,7%.
"Chúng tôi không thấy quốc gia nào giải phóng kho dự trữ trong nhiều năm", Jia Zheng, một thành viên của Công ty quản lý đầu tư Dongwu Jiuying Thượng Hải, chia sẻ với Bloomberg.
"Điều này sẽ thúc đẩy nguồn cung ngắn hạn, gửi tín hiệu giảm giá cho thị trường”, nhân vật trên cho biết.
Trong năm 2020, Australia là nước có sản lượng quặng lớn nhất thế giới với 900 triệu tấn. Các quốc gia kế tiếp lần lượt là Brazil (400 triệu tấn), Trung Quốc (340 triệu tấn), Ấn Độ (230 triệu tấn) và Nga (95 triệu tấn).
Australia cũng là quốc gia xuất khẩu nhiều quặng nhất trong năm 2019 với 65,8 tỷ USD (chiếm 53,8% tổng lượng xuất khẩu của thế giới). Brazil đứng ở vị trí thứ 2 với 2,2 tỷ USD (chiếm 18,1%). Các quốc gia tiếp theo lần lượt là Nam Phi, Canada, Ukraine, Thụy Điển, Ấn Độ, Hà Lan, Nga và Trung Quốc.
Link gốc tại đây.
Theo Stockbiz