Giá vàng hôm nay ngày 16/3: Tĩnh lặng trước cơn bão!
Ngô Văn Thịnh
Economic Analyst
Giá vàng không có nhiều thay đổi, biến động trong biên độ hẹp quanh vùng $1,730/oz trước thềm cuộc họp FOMC.
Giá vàng trong nước:
Theo Eximbank, tính đến 08:30 sáng ngày 16/3:
Giá vàng miếng SJC 99.99 (loại 10 chỉ series 2 ký tự chữ và 1-2-5 chỉ):
- Mua vào: 5,545,000 VND/chỉ.
- Bán ra: 5,570,000 VND/chỉ.
Giá vàng miếng SJC 99.99 (loại 10 chỉ series 1 ký tự chữ):
- Mua vào: 5,531,000 VND/chỉ.
- Bán ra: 5,570,000 VND/chỉ.
Giá vàng thế giới:
Giá vàng chủ yếu đi ngang trong hầu hết ngày hôm qua và tăng nhẹ cuối phiên Mỹ lên $1,732/oz. Tương tự như các thị trường tài chính khác, các nhà đầu tư đang giữ tâm lý thận trọng trước cuộc họp FOMC vào thứ tư. Fed sẽ đưa ra dự báo kinh tế và biểu đồ dự báo lãi suất (dot plot), nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng Powell và các cộng sự sẽ không thể hiện ý định tăng lãi suất vào năm 2023 trong cuộc họp lần này. Nếu Powell tiếp tục đứng ngoài với đà tăng của lợi suất và cho rằng điều này phản ánh nền kinh tế đang phục hồi, lợi suất TPCP Mỹ và USD có thể sẽ tiếp tục tăng, tác động xấu đến giá vàng. Các quỹ ETF vàng cũng đã có phiên bán ròng thứ 20 liên tiếp, quả là một con số không tưởng. Nhìn chung, triển vọng của vàng trong giai đoạn tới vẫn không mấy sáng sủa.
Tính đến 08:30 sáng ngày 16/3, giá vàng thế giới giao ngay đang được giao dịch quanh mốc $1,731/oz.
Giá xăng dầu trong nước:
Petrolimex điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 giờ 00 ngày 12.3.2021
Ngày 12/3, giá xăng trong nước được Petrolimex niêm yết dao động ở mức từ 13,760 - 19,360 VND/lít tại vùng 1, từ 14,030 - 19,740 VND/lít tại vùng 2. Bên cạnh giá xăng, giá dầu hỏa vùng 1 là 13,170 VND/lít và vùng 2 là 13,430 VND/lít
Giá dầu thế giới:
Dầu giảm trong ngày thứ hai khi cấu trúc cơ bản của thị trường suy yếu và đồng đô la mạnh lên. Hợp đồng tương lai WTI giao tháng gần nhất đã ở trạng thái "contango" lớn nhất kể từ tháng 1, báo hiệu tình trạng dư cung. Nhu cầu xuất khẩu của Hoa Kỳ suy yếu cũng tác động lên thị trường cùng lúc với sản lượng dầu trong nước đã vượt nhanh hơn sự phục hồi của các nhà máy lọc dầu sau đợt giá rét kỷ lục vào tháng trước. Thêm vào đó, những lo ngại giá dầu tăng cao sẽ khiến các nhà khai thác dầu đá phiến tại Mỹ trở lại thị trường cũng góp phần đè nặng lên giá dầu. Stewart Glickman, nhà phân tích cổ phiếu năng lượng tại CFRA Research cho biết: “Dầu đang rơi vào trạng thái tích lũy sau một nhịp tăng khá lớn”. "Mức tồn kho không quá khủng khiếp, nhưng nhu cầu vẫn chưa hoàn toàn quay trở lại quay trở lại."
- Tính đến 08:30 sáng ngày 16/3, giá dầu thô WTI Futures giao tháng gần nhất giao dịch tại $64.65/thùng, giảm 0.84%.
- Trong khi đó, giá dầu Brent Futures giao tháng gần nhất giảm 0.92% xuống mức $68.11/thùng.
Chứng khoán trong nước và quốc tế:
Thị trường chứng khoán trong nước hôm qua tăng nhẹ 0.25% lên 1,184.56 điểm mặc dù khối ngoại vẫn bán ròng trên HOSE với giá trị hơn 410 tỷ đồng. Thanh khoản HOSE ở mức gần 680 triệu cổ phiếu (tăng 9%), giá trị hơn 15,000 tỷ đồng (tăng 3%). Hiện tại, dòng tiền đang hướng đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ và nhiều khả năng điều này sẽ được duy trì trong phiên giao dịch tới.
Chứng khoán châu Á đều tăng điểm trong ngày hôm nay sau khi sự lạc quan về phục hồi kinh tế đã đẩy cổ phiếu Mỹ lên mức kỷ lục. Chỉ số S&P 500 tăng phiên thứ năm liên tiếp, dẫn đầu là các công ty tiện ích và bất động sản, trong khi Apple Inc., Tesla Inc. và Facebook Inc. cũng đưa Nasdaq 100 Index lên cao hơn. Trọng tâm của thị trường đang chuyển sang cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang vào thứ Tư, sẽ bao gồm các dự báo kinh tế và lãi suất mới. Reflation trade có thể được hưởng lợi nếu ngân hàng trung ương duy trì chính sách đứng ngoài với sự gia tăng gần đây của lợi suất. Các vị thế đặt cược vào sự phục hồi kinh tế nhanh hơn đã đưa kỳ vọng lạm phát lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và đà tăng của lợi suất có thể thúc đẩy sự chuyển dịch dòng tiền từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị. Cùng với gói kích thích tài khóa mới được thông qua vào tuần trước, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, người tiêu dùng chắc chắn sẽ chi tiêu mạnh lên cũng như đổ tiền vào các tài sản rủi ro như chứng khoán, thúc đẩy các chỉ số chứng khoán tìm kiếm đỉnh mới.
Dow Jones: 32,953.47 (tăng 1.44%)
S&P 500: 3,968.95 (tăng 0.65%)
Nasdaq: 13,459.7 (tăng 1.05%)
DAX: 14,461.420 (giảm 0.28%)
Stoxx 50: 3,829.8 (giảm 0.09%)
NIKKEI 225: 29,982.26 (tăng 0.72%)
Ngoại tệ (tham khảo tỷ giá VCB cập nhật lúc 08:30 sáng ngày 16/3):
Ảm đạm và tẻ nhạt có lẽ là 2 từ phù hợp nhất để miêu tả thị trường FX ngày hôm qua, hầu như tất cả các cặp tiền chính đều đi ngang trong biên độ rất hẹp khi các nhà đầu tư đề cao tính cẩn trọng trước cuộc họp FOMC. Hôm qua cũng không có sự kiện kinh tế nào nổi bật, do đó diễn biến giá có vẻ khá "ngẫu nhiên". EUR và GBP suy yếu so với USD khi EU bắt đầu thực hiện các hành động pháp lý chống lại nước Anh do nước này vi phạm thỏa thuận thương mại hậu Brexit về xuất khẩu sang Ireland. Các đồng beta cao tiếp tục diễn biến trái chiều trong ngày giao dịch đầu tuần với AUD và CAD giảm nhẹ trong khi NZD lại mạnh lên do thị trường kỳ vọng số liệu kinh tế tuần này sẽ cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của New Zealand. Trong khi đó, JPY có ngày suy yếu thứ 3 liên tiếp và CHF hồi phục đôi chút.
USD/VND: 22,990.00 - 23,170.00 (tăng 30 đồng)
EUR/VND: 26,953.97 - 28,130.82 (giảm 52 đồng)
GBP/VND: 31,545.39 - 32,534.34 (tăng 185 đồng)
JPY/VND: 207.06 - 217.93 (tăng 1.2 đồng)
CHF/VND: 24,500.45 - 25,268.54 (tăng 52 đồng)
AUD/VND: 17,597.43 - 18,149.11 (giảm 35 đồng)
CAD/VND: 18,209.47 - 18,780.34 (giảm 4 đồng)
Tổng hợp