Giá vàng hôm nay ngày 22/3: Đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm không tưởng, sự bi quan đè nặng lên giá vàng
Ngô Văn Thịnh
Economic Analyst
Giá vàng sụt giảm từ mức đóng cửa $1,745/oz tuần trước xuống sát $1,730/oz trong buổi sáng hôm nay khi tâm lý risk-off trở lại, hỗ trợ đồng USD.
Giá vàng trong nước:
Theo Eximbank, tính đến 09:00 sáng ngày 22/3:
Giá vàng miếng SJC 99.99 (loại 10 chỉ series 2 ký tự chữ và 1-2-5 chỉ):
- Mua vào: 5,510,000 VND/chỉ.
- Bán ra: 5,535,000 VND/chỉ.
Giá vàng miếng SJC 99.99 (loại 10 chỉ series 1 ký tự chữ):
- Mua vào: 5,496,000 VND/chỉ.
- Bán ra: 5,535,000 VND/chỉ.
Giá vàng thế giới:
Giá vàng mở cửa phiên giao dịch đầu tuần sụt giảm hơn $10/oz xuống đáy tại $1.732/oz khi đồng USD mạnh lên trên diện rộng. Tâm lý ưa rủi ro suy yếu sau khi đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ rơi tự do 15% giá trị do thống đốc ngân hàng trung ước nước này bị cắt chức, khiến các đồng tiền tại thị trường mới nổi có nguy cơ bị kéo theo. Tuy nhiên, vàng đang dần ổn định khi đà tăng USD chững lại và lợi suất TPCP Mỹ suy yếu. Tác động của việc ngừng gia hạn chính sách SLR của Fed có vẻ đã được thị trường phản ánh vào giá do các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại tài sản từ trước đó. Nhiều nhà phân tích vẫn dự báo lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ tăng lên mức 2% vào cuối năm nay, nếu điều này xảy ra, vàng rõ ràng sẽ tiếp tục gặp áp lực. Thị trường tuần này sẽ tập trung vào các cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc kỳ hạn từ 2-7 năm để đánh giá cung-cầu trên thị trường và phiên điều trần trước Quốc hội của chủ tịch Fed Jerome Powell cũng sẽ thu hút sự chú ý.
Tính đến 09:00 sáng ngày 19/3, giá vàng thế giới giao ngay đang được giao dịch quanh mốc $1,730/oz.
Giá xăng dầu trong nước:
Petrolimex điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 giờ 00 ngày 12.3.2021
Ngày 12/3, giá xăng trong nước được Petrolimex niêm yết dao động ở mức từ 13,760 - 19,360 VND/lít tại vùng 1, từ 14,030 - 19,740 VND/lít tại vùng 2. Bên cạnh giá xăng, giá dầu hỏa vùng 1 là 13,170 VND/lít và vùng 2 là 13,430 VND/lít
Giá dầu thế giới:
Dầu Brent suy yếu đầu phiên Á khi đồng đô la mạnh lên, xóa bớt một phần mức hồi phục vào thứ sáu tuần trước sau tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10. Dầu thô vẫn đang chịu nhiều sức ép do tình trạng thiếu cung trên thị trường dầu vật chất đã dịu đi và các vị thế long được chốt lời. Những lo ngại về nhu cầu ngắn hạn do sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch cũng tiếp tục kéo dài. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út lại chứng kiến một cuộc tấn công khác nhằm vào các cơ sở năng lượng của nước này. Mặc dù cuộc tấn công của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn vào nhà máy lọc dầu Aramco hôm thứ Sáu không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu, Ả Rập đang chịu một loạt cuộc tấn công vào vương quốc này.
- Tính đến 09:00 sáng ngày 22/3, giá dầu thô WTI Futures giao tháng gần nhất giao dịch tại $61.10/thùng, giảm 0.53%.
- Trong khi đó, giá dầu Brent Futures giao tháng gần nhất giảm 0.42% xuống mức $64.24/thùng.
Chứng khoán trong nước và quốc tế:
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán châu Á đa số đều giảm sau cú shock với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, điều này cũng có thể sẽ ảnh hưởng phần nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đó, VN Index cũng đã không thể giữ vững trên mức cao kỷ lục 1,200 điểm và giảm 0.57% xuống 1194.05 vào thứ sáu tuần trước.
Chứng khoán châu Á khởi đầu tuần chủ yếu giảm điểm khi các nhà đầu tư lo ngại lợi suất trái phiếu và lạm phát gia tăng khi hoạt động kinh tế phục hồi. Cùng với đó, tâm lý ưa rủi ro cũng đang bị ảnh hưởng khi đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm rất mạnh tới 15% sau khi người đứng đầu ngân hàng trung ương bị tổng thống nước này sa thải. Đà bán trái phiếu gần đây đã đẩy lợi suất lên cao hơn và thúc đẩy sự dịch chuyển dòng tiền từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị. Kỳ vọng lạm phát đang tăng lên khi triển vọng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, khiến một số người nghi ngờ Fed sẽ buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn so với định hướng chính sách hiện tại.
Dow Jones: 32,627.98 (giảm 0.71%)
S&P 500: 3,913.11 (giảm 0.06%)
Nasdaq: 13,215.2 (tăng 0.76%)
DAX: 14,621.000 (giảm 1.05%)
Stoxx 50: 3,837.0 (giảm 0.79%)
NIKKEI 225: 29,155.36 (giảm 2.14%)
Ngoại tệ (tham khảo tỷ giá VCB cập nhật lúc 08:30 sáng ngày 22/3):
Đồng USD mở cửa tăng vọt trong phiên giao dịch đầu tuần khi đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm tới 15% giá trị do tổng thống nước này cách chức thống đốc ngân hàng trung ương. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của các nhà đầu tư và với việc các ngân hàng châu Âu có nhiều "exposure" tại Thổ Nhĩ Kỳ, tâm lý ưa rủi ro đang suy yếu rõ rệt. Tất cả các đồng tiền chính đều suy yếu so với USD trong buổi sáng hôm nay, dẫn đầu bởi GBP, giảm xuống 1.3826. Sự phân kỳ giữa chính sách tiền tệ, quá trình tiêm chủng và phục hồi kinh tế tiếp tục tạo áp lực lên đồng EUR, đưa EUR/USD xuống dưới ngưỡng 1.19. Các đồng tiền beta cao như AUD, NZD và CAD cũng giảm khá mạnh do tâm lý ưa rủi ro yếu đi và thị trường chứng khoán giảm điểm. 2 đồng lợi suất thấp là CHF và JPY cũng yếu đi nhưng với mức độ không đáng kể.
USD/VND: 22,985.00 - 23,165.00 (tăng 5 đồng)
EUR/VND: 26,864.50 - 27,985.25 (giảm 224 đồng)
GBP/VND: 31,422.68 - 32,407.80 (giảm 157 đồng)
JPY/VND: 207.70 - 218.41 (giảm 1.04 đồng)
CHF/VND: 24,439.81 - 25,206.01 (giảm 40 đồng)
AUD/VND: 17,543.63 - 18,093.63 (giảm 230 đồng)
CAD/VND: 18,157.52 - 18,726.77 (giảm 16 đồng)
Tổng hợp