Giải đáp thắc mắc về QE tại Anh, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ và xu hướng 'diều hâu' của RBA
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Trả lời những câu hỏi 'điểm nóng' sẽ quyết định cục diện của các thị trường lớn
Liệu BoE có công bố thêm QE?
Với 200 tỷ bảng mua trái phiếu được công bố tại cuộc họp khẩn cấp vào tháng 3, Ngân hàng Anh cho đến nay đã thành công trong việc làm dịu thị trường và đảm bảo chính phủ Anh có thể tài trợ cho gói kích thích khủng hoảng với mức giá rẻ. Nhưng phần lớn các nhà phân tích cho rằng BoE sẽ sớm phải mở rộng quy mô nới lỏng định lượng, có thể ngay sau cuộc họp theo lịch vào Thứ Năm tuần tới.
BoE đã mua 70 tỷ bảng tài sản kể từ khi chương trình được công bố vào ngày 19 tháng 3 - gấp đôi tốc độ mua trong cuộc Đại khủng hoảng tài chính, theo Paul Dales của Capital Economics. Với tốc độ hiện tại, BoE sẽ hoàn tất giao dịch mua vào cuối tháng 6 và có thể cần thêm những phát biểu để thuyết phục các nhà đầu tư rằng khoản phát hành khổng lồ đến từ chính phủ có thể được thị trường hấp thụ.
“Đây là một vấn đề nan giải đối với BoE”, ông Dales nói. “Nếu thị trường hoàn toàn được trấn an bởi cam kết của BoE rằng họ sẽ làm nhiều hơn nếu cần, thì lợi suất trái phiếu Anh có thể vẫn ở mức thấp và BoE có thể không thực sự cần phải mở rộng QE. Nhưng ngược lại, liệu BoE có đủ can đảm để không làm gì và chờ xem liệu lợi suất trái phiếu có tăng đột biến sau khi hoàn thành giao dịch mua tài sản hay không, bởi tới lúc đó có thể đã là quá muộn.”
Các nhà phân tích tại Citi dự kiến thống đốc BoE Andrew Bailey, người kế nhiệm Mark Carney vào tháng 3, sẽ công bố thêm 200 tỷ bảng QE vào thứ Năm, hoặc ít nhất là cung cấp một tín hiệu mạnh mẽ theo hướng đó cho cuộc họp tháng Sáu.
Citi cho biết: “Nếu không có thêm QE, thị trường tư nhân nhạy cảm về giá có thể sẽ yêu cầu lợi suất cao hơn đáng kể để hấp thụ khối lượng phát hành. BoE khó có thể thử nghiệm rủi ro này trong bối cảnh khủng hoảng.”
Thất nghiệp của Mỹ sẽ vượt qua đỉnh cuộc Đại khủng hoảng tài chính?
Làn sóng sa thải dự kiến sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 4 vượt quá tỷ lệ trong cuộc Đại khủng hoảng tài chính và gần hơn với mức trong những năm 1930, khi số liệu hàng tháng được công bố vào thứ Sáu.
Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp kỷ lục trong sáu tuần qua đã đẩy tổng số người mất việc lên hơn 30 triệu, khi các doanh nghiệp sa thải nhân viên và phải vật lộn với những ảnh hưởng kinh tế của đại dịch coronavirus.
Theo ước tính từ 10 nhà phân tích của Bloomberg, việc làm trong bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ giảm 22 triệu trong tháng 4 so với mức giảm 701,000 trong tháng 3. Điều này sẽ đánh dấu sự sụt giảm lớn nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu được công bố vào năm 1939. Tuy nhiên, số liệu tháng Tư bị thổi phồng vì thời gian khảo sát lần cuối cho bảng lương phi nông nghiệp đã kết thúc vào ngày 12 tháng 3.
Dữ liệu sẽ được công bố cùng ngày với tỷ lệ thất nghiệp Mỹ, theo ước tính của các nhà phân tích sẽ tăng lên 16.3%, tăng từ mức 4.4% trong tháng 3. Đây sẽ là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1948, tức là thời điểm có dữ liệu hàng tháng từ Cục Thống kê Lao động. Nếu tính trên cơ sở hàng năm, nó sẽ là cao nhất kể từ năm 1939, theo hồ sơ từ Cục điều tra dân số.
Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế tài chính của MUFG Union Bank, cho biết mất việc đang đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng và nền kinh tế, và khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về sự phục hồi của chứng khoán Mỹ trong tháng qua.
“Đây sẽ là một trận chiến khó khăn”, ông Rupkey nói. “Thời gian sẽ chứng minh liệu nhu cầu tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ giảm có thể giữ thu nhập doanh nghiệp ở mức phù hợp với định giá thị trường chứng khoán hiện tại hay không.”
Liệu đồng AUD có được hưởng lợi từ lập trường ‘ít lỏng hơn’ của RBA không?
Đồng đô la Úc là một trong những đồng tiền hưởng lợi lớn nhất từ sự phục hồi tài sản rủi ro trong tháng trước, sau khi giảm xuống mức yếu nhất so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng 3 năm 2003. Do đó, đồng tiền này sẽ có rất nhiều để mất nếu Ngân hàng Dự trữ Úc cắt giảm 0.25% lãi suất, phủ định kỳ vọng của thị trường rằng lãi suất sẽ được giữ nguyên tại cuộc họp chính sách vào thứ ba.
RBA là một trong số ít các ngân hàng trung ương trên thế giới có lập trường tương đối ‘diều hâu’, bắt đầu giảm dần chương trình mua tài sản mà nó bắt đầu vào tháng 3, thời điểm cố gắng thúc đẩy dòng tín dụng. Ngược lại, các ngân hàng trung ương của châu Âu và Mỹ đều đã tham gia vào làn sóng các biện pháp nới lỏng định lượng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, mặc dù lập trường đó có thể có lợi cho đồng đô la Úc trong dài hạn, thì ngắn hạn vẫn có nhiều bất ổn.
Đồng AUD, vốn truyền thống nhạy cảm với triển vọng tăng trưởng toàn cầu, dường như đã trở nên liên kết chặt chẽ hơn với tâm lý của thị trường kể từ khi cuộc khủng hoảng coronavirus bắt đầu. Mark McCormick, người đứng đầu chiến lược tiền tệ toàn cầu tại TD Securities ở Toronto, cho biết Aussie đã trở thành “một trong những thước đo quan trọng của sức khỏe toàn cầu.”
Trong những ngày gần đây, AUD/USD giao dịch ở mức dưới 0.65 đô la, hồi phục sau khi giảm xuống mức đáy thấp nhất là 0.57 đô la vào tháng ba. Nhưng nó vẫn còn yếu hơn khoảng 7.5% so với đầu năm.
Ông McCormick lưu ý rằng ngân hàng trung ương Úc bắt đầu chuyển sang giảm dần mua sắm tài sản khiến chính sách của nó trở nên ‘ít lỏng’ hơn so với các nơi khác.