Giải mã những lo ngại về nợ công Trung Quốc

Giải mã những lo ngại về nợ công Trung Quốc

Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

07:24 21/11/2024

Sau hàng thập kỷ đổ tiền vào phát triển cơ sở hạ tầng, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với gánh nặng nợ nần khổng lồ. Con số nợ công đã lên tới mức đáng báo động - khoảng 120% GDP, trong khi thâm hụt ngân sách tổng thể đã vượt ngưỡng 10%.

Những chỉ số đáng lo ngại này, cộng thêm đà tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, đã khiến Bắc Kinh đứng ngồi không yên trước viễn cảnh một cuộc khủng hoảng nợ có thể ập đến. Giới lãnh đạo nhận định rằng bất kỳ gói kích thích kinh tế quy mô lớn nào cũng chỉ làm tích tụ thêm nợ, từ đó đe dọa nghiêm trọng đến an ninh tài chính quốc gia.

Gánh nặng nợ công và thâm hụt ngân sách của Chính phủ Trung Quốc

Chính vì thế, mặc dù đến cuối tháng 9 đã thừa nhận cần tăng chi tiêu tài khóa để đạt mục tiêu tăng trưởng, Bắc Kinh vẫn tỏ ra hết sức thận trọng. Đến nay, họ mới chỉ công bố một chương trình hoán đổi nợ địa phương với quy mô 10 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1.4 nghìn tỷ USD). Chương trình này giúp chính quyền địa phương giảm bớt gánh nặng lãi suất, từ đó có nguồn lực để giải quyết các khoản nợ tồn đọng với nhà cung cấp và trang trải lương còn thiếu cho đội ngũ công chức. Tuy nhiên, do không tạo thêm nguồn vốn vay mới nào, biện pháp này khó có thể được xem là một động thái kích thích tài khóa thực sự.

Trong bức tranh hiện tại, giới chuyên gia kinh tế đã buộc phải hạ thấp kỳ vọng về các gói kích thích. Theo dự báo của tập đoàn Goldman Sachs cho năm tới, tổng thâm hụt ngân sách của Trung Quốc - bao gồm cả những khoản vay ngoài bảng cân đối của chính quyền địa phương - sẽ chỉ tăng khiêm tốn thêm 1.8 điểm phần trăm, đạt mức 13%. Trong khi đó, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh đối với các khoản nợ ngầm của chính quyền địa phương, khối lượng phát hành trái phiếu ròng từ các công cụ tài chính địa phương nhiều khả năng sẽ tiếp đà suy giảm.

Thế nhưng, sự ám ảnh quá mức về việc giảm đòn bẩy tài chính vào thời điểm này lại đang phản ánh một chính sách tài khóa thiếu tầm nhìn. Quy luật kinh tế cho thấy trong giai đoạn suy thoái, khi người dân có xu hướng thắt chặt hầu bao để dự phòng, khu vực công cần đóng vai trò tiên phong trong việc duy trì chi tiêu, tránh để nền kinh tế rơi vào vòng xoáy giảm phát. Đáng tiếc là Trung Quốc đang đi ngược lại với nguyên tắc căn bản này.

Cụ thể, chính quyền trung ương đã áp đặt lệnh thắt chặt đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 12 tỉnh được đánh giá là có nguy cơ cao và dễ vỡ nợ, như một biện pháp tức thời nhằm kiềm chế đà tăng nợ. Tuy nhiên, động thái này có thể vô tình đẩy toàn bộ khu vực vào vực thẳm suy thoái, trong khi các quan chức địa phương vẫn đang loay hoay tìm hướng đi mới để đa dạng hóa nền kinh tế của họ.

Tăng trưởng chi tiêu tài khóa và đầu tư hạ tầng suy giảm trong năm nay

Theo phân tích từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's, tại tỉnh Vân Nam thuộc vùng Tây Nam Trung Quốc, đầu tư cơ sở hạ tầng đã đóng góp một phần đáng kể hơn 30% GDP trong năm 2023. Tuy nhiên, con số này đã suy giảm mạnh, giảm 11.4% trong năm trước và tiếp tục lao dốc 9% trong nửa đầu năm nay. Mặc dù Bắc Kinh đang ra sức thúc đẩy và sẵn sàng rót vốn cho ngành sản xuất công nghệ cao, Vân Nam vẫn chưa thể tìm được một động lực tăng trưởng thay thế trong lĩnh vực này. Hệ quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ đạt 3.5% trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn quốc. Những biện pháp thắt chặt từ chính quyền trung ương đang phản tác dụng và làm suy yếu nghiêm trọng khả năng trả nợ của địa phương này.

Thật thiếu khôn ngoan khi chỉ dựa vào các chỉ số kế toán đơn thuần như tỷ lệ nợ trên GDP để đánh giá nguy cơ khủng hoảng nợ. Đúng ra, Bắc Kinh cần tập trung vào việc hoạch định chiến lược quản lý hiệu quả các tài sản trong bảng cân đối kế toán cho tương lai.

Khác biệt với các quốc gia phương Tây - nơi vay mượn chủ yếu phục vụ chi tiêu thường xuyên của chính phủ như trường hợp hệ thống lương hưu của Hy Lạp những năm 2000, Trung Quốc lại theo đuổi một phương trình tài chính khác biệt. Họ tận dụng đòn bẩy tài chính để kiến thiết cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các tập đoàn lớn. Kết quả là Bắc Kinh hiện đang sở hữu một khối tài sản đồ sộ, trải dài từ hệ thống đường thu phí đến các bệnh viện và ngân hàng. Theo ước tính của Gavekal Dragonomics, giá trị vốn chủ sở hữu ròng có thể lên đến con số khổng lồ 170 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 140% GDP. Dù có thể còn nhiều tranh luận về khả năng hiện thực hóa giá trị sổ sách của những tài sản này, nhưng có một điều chắc chắn rằng môi trường giảm phát chính là rào cản lớn cho việc thanh lý tài sản.

Cơ hội giảm nợ từ nguồn tài sản dồi dào của Chính phủ Trung Quốc

Trong bối cảnh hiện tại, lợi ích của khu vực tư nhân và nhà nước đang đan xen chặt chẽ. Giảm phát gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn những chủ thể đang mang nợ. Việc trả nợ và thanh lý tài sản đều trở nên nan giải hơn bao giờ hết. Trong khi nguồn thu ngân sách đang sụt giảm, các địa phương vẫn phải gánh những khoản nợ với giá trị danh nghĩa không hỏi. Câu hỏi đặt ra là điều gì khiến Bắc Kinh vẫn còn ngập ngừng trước ngưỡng cửa quyết định?

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Trump liệu có ''dễ tính'' hơn so với những cố vấn của ông trong các vấn đề về liên quan tới Trung Quốc?
Huyền Trần

Huyền Trần

Junior Analyst

Trump liệu có ''dễ tính'' hơn so với những cố vấn của ông trong các vấn đề về liên quan tới Trung Quốc?

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn các cố vấn và nhân vật chủ chốt có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì một chiến lược thương mại mềm mỏng hơn để không làm ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, cách ông Trump đối phó với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào sự tương tác với ông Tập Cận Bình và các yếu tố kinh tế, chính trị toàn cầu.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ