Giao dịch theo phong cách tối giản: kiếm tiền với chỉ báo RSI
Uông Quang
Manager, Technical Analyst
Một kỹ thuật giao dịch đơn giản và hiệu quả sử dụng chỉ báo RSI.
Kết hợp một bộ chỉ báo bao gồm chỉ báo dao động với một chỉ báo xu hướng là cách tiếp cận thông thường khi xây dựng một hệ thống giao dịch. Tuy nhiên, bài viết này sẽ cung cấp môt góc nhìn khác khi chỉ sử dụng riêng chỉ báo RSI kết hợp với những khái niệm biểu đồ cơ bản để đưa ra quyết định giao dịch hiệu quả.
Cũng giống như nhiều trader theo phong cách tối giản khác, tôi có xu hướng sử dụng rất ít indicator trong biểu đồ kỹ thuật của mình. RSI (14) mặc định hoạt động tốt cho các nhà giao dịch theo kiểu swing. Nhưng nhiều nhà giao dịch trong ngày cảm thấy nhàm chán với nó vì tạo ra quá ít các tín hiệu giao dịch. Một số nhà giao dịch giải quyết vấn đề này bằng cách hạ thấp khung thời gian giao dịch của họ. Những người khác giảm số kỳ của RSI xuống để có được một chỉ báo dao động nhạy hơn. Tuy nhiên, các giải pháp này tạo ra các tín hiệu RSI không đáng tin cậy.
Giao dịch tối giản không phải chỉ là vấn đề bạn sử dụng ít công cụ để đưa ra quyết định, nó còn là việc bạn lựa chọn ít điểm vào hơn để có những lệnh dài nhưng chất lượng. Ý tưởng của chúng ta trong bài viết này là kết hợp RSI (14) với các vùng hỗ trợ - kháng cự mạnh, ới mục tiêu là tìm ra các thiết lập đảo chiều với tỷ lệ R:R cao.
Tín hiệu mua
- RSI (14) nằm dưới 30 (vùng quá bán).
- Giá đang kiểm tra vùng hỗ trợ.
- Mua khi xác nhận một mẫu hình nến tăng giá.
Tín hiệu bán
- RSI (14) nằm trên 70 (vùng quá mua).
- Giá đang kiểm tra vùng kháng cự.
- Mua khi xác nhận một mẫu hình nến giảm giá.
Đơn giản và dễ hiểu, đúng không nào? Chúng ta sẽ cùng xem xét một số ví dụ trong thực tế.
Đây là biểu đồ 10 phút của S&P 500.
- Vùng sideway hẹp trước đó đã dự báo cho một vùng hỗ trợ tiềm năng.
- Chỉ báo RSI giảm xuống dưới 30, cho một tín hiệu quá bán trong phiên.
- Khi chỉ báo RSI quay đầu tăng trở lại và vượt lên trên mức 30, một mẫu hình inside bar tăng giá cho một điểm mua hoàn hảo.
Tất nhiên, kỹ thuật này đôi khi cũng mắc những sai lầm.
- Vùng sideway hẹp trước đó đóng vai trò là vùng cản phía trên cho giá.
- RSI tăng trên 70 và trở nên quá mua.
- Tín hiệu quá mua này hình thành khi thị trường đi lên gần vùng kháng cự. Chúng ta sẽ bán ra bên dưới thanh giảm giá mạnh đầu tiên được hình thành.
Giao dịch này không diễn ra tốt đẹp. Thị trường chỉ giảm một đoạn ngắn, sau đó, nó tăng lên và phá vỡ vùng kháng cự. Trong trường hợp này, thời điểm vào lệnh của chúng ta là hơi sớm.
Chìa khóa của kỹ thuật giao dịch này là đánh giá của bạn về các vùng hỗ trợ và kháng cự. Hãy phân tích kỹ cấu trúc thị trường và tập trung vào các thiết lập giao dịch chất lượng cao hơn. Bạn có thể đánh dấu sẵn các vùng hỗ trợ và kháng cự trước khi bắt đầu phiên giao dịch. Sau đó, thiết lập cảnh báo cho các tín hiệu quá mua/quá bán của RSI. Khi cảnh báo của bạn bật, hãy xem xét kỹ hơn để đánh giá chất lượng của các thiết lập giao dịch.
Bạn có thể cái đặt và backtest hệ thống giao dịch này, tất nhiên việc tự động hóa việc nhận diện các mức kháng cự - hỗ trợ và mô hình nến là một vấn đề đòi hỏi nhiều công sức. Kết hợp chúng với kỹ thuật quản lý vốn đã được viết khá nhiều lần trong những vài viết trước của tôi, và đừng quên cho chúng tôi biết hiệu quả giao dịch của bạn nhé.
Happy trading !!