Những điều thú vị về lịch sử phát triển của đồ thị
Tùng Trịnh
CEO
Biểu đồ giá là công cụ cơ bản của các nhà phân tích kỹ thuật. Hiểu một cách đơn giản, biểu đồ giá hiển thị dữ liệu giá bằng hình ảnh. Đã có rất nhiều loại biểu đồ được phát triển qua nhiều thế kỷ, nguyên tắc cơ bản của nó đã trở thành nền tảng của phân tích kỹ thuật.
Ở nhiều quốc gia, các nhà phân tích kỹ thuật vẫn được gọi là “chartist” (nhà phân tích biểu đồ). Mặc dù các biểu đồ vẽ tay đã trở nên lỗi thời khi công nghệ ngày nay cho phép tự động hóa và cập nhật nhanh hơn, nhưng với một số chuyên gia, floor trader, nhà tạo lập thị trường và bộ phận phân tích kỹ thuật cho các công ty môi giới và quản lý vẫn có biểu đồ vẽ tay, vì họ tin rằng bằng cách vẽ biểu đồ, thay vì tự động hóa trên máy tính, các tín hiệu tốt về sự thay đổi của giá, xu hướng và mô hình sẽ rõ ràng hơn, “cảm giác” với đồ thị sẽ nhạy bén hơn và trải nghiệm đối với thị trường sâu hơn.
Bạn đã từng dùng biểu đồ vẽ tay?
Từ các biểu đồ này, các nhà phân tích kỹ thuật tìm ra được những mô hình và xu hướng tiềm năng. Tất nhiên, phân tích trên biểu đồ cũng bị chỉ trích, phần lớn là do việc nhận biết các mô hình và xu hướng xuất phát từ nhận định chủ quan, dựa trên kỹ năng và kinh nghiệm của nhà phân tích. Những thuộc tính này của con người, khi chúng thể hiện trên đồ thị, rất khó định lượng và do đó, rất khó để xác thực rằng chúng có thể sinh lời hay không.
Một nghiên của các nhóm các nhà khoa học Hasanhodzic, Lo và Viola (năm 2010) đã chỉ ra rằng con người, khi đối mặt với dữ liệu đồ họa dưới dạng một "trò chơi điện tử", có thể "phân biệt giữa lợi nhuận thực tế với hoán vị ngẫu nhiên của lợi nhuận đó". Họ đã tìm thấy “bằng chứng thống kê (giá trị P không lớn hơn 0.5%) cho thấy các đối tượng có thể phân biệt nhất quán giữa hai loại chuỗi thời gian, do đó bác bỏ niềm tin phổ biến rằng thị trường tài chính là ngẫu nhiên.”
Một số nhà phân tích hiện đang sử dụng hệ thống nhận dạng mô hình (pattern recognition) và các phương pháp vi tính hóa phức tạp khác, và các kết quả ban đầu đã chứng minh rằng, trên thực tế, nhiều mẫu biểu đồ truyền thống có giá trị về mặt dự đoán. Tuy nhiên, biểu đồ có những công dụng khác, ngoài việc chỉ để nắm bắt nhanh lịch sử giá. Lợi ích của việc sử dụng biểu đồ đã vượt qua các hoài nghi về chúng.
Lịch sử của Biểu đồ
Theo nghiên cứu toàn diện về phân tích kỹ thuật của hai nhà nghiên cứu Lo và Hasanhodzic (năm 2010), văn bản sớm nhất ghi chép giá cả hàng hóa được biết đến từ Babylonia cổ đại, thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên. Những văn bản này là nhật ký của các thương nhân và nhà thiên văn học, những người cố gắng tìm kiếm tương quan giữa các hiện tượng chiêm tinh với sự thay đổi của giá.
Vào thế kỷ V và VI sau Công nguyên, biểu đồ giá, tương tự như biểu đồ được sử dụng hiện nay, đã được phát triển ở Trung Quốc, Châu Âu và Nhật Bản. Người Trung Quốc quan tâm đến tính chu kỳ của giá cả; người châu Âu quan tâm đến chiêm tinh học; và người Nhật đã phát triển biểu đồ hình nến vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Việc mở cửa trao đổi hàng hóa ở Tây Âu (1561) và Nhật Bản (1654) đã cung cấp môi trường cần thiết cho sự phát triển của biểu đồ. Vào thời kỳ của các sàn giao dịch này, các thị trường giao dịch tự do đã trở nên đủ tinh vi để tạo ra nhiều mức giá trong một ngày giao dịch và do đó, phát sinh nhu cầu ghi lại các mức giá cao, thấp và giá đóng cửa của mỗi loại hàng hóa. Vào những năm 1830, ngay trước khi phát minh ra Tick-taper cho các sàn giao dịch chứng khoán, một số nhà cung cấp biểu đồ ở New York còn bán các biểu đồ về giá chứng khoán và hàng hóa.
Loại biểu đồ đầu tiên chỉ là một đồ thị đơn giản trên giấy, gồm một con số (thể hiện số lượng hoặc giá cả), và ngày tháng. Ví dụ, ở Nhật Bản thời kỳ đầu, gạo được mua bán theo số lượng. Nhà buôn gạo nổi tiếng Sokyu Honma đã ghi lại số bao trên mỗi mức giá , thay vì giá mỗi bao. Khi thị trường bắt đầu giao dịch thường xuyên hơn trong ngày, biểu đồ trở nên phức tạp hơn. Giá cao và thấp có thể được ghi lại, và cuối cùng khi nhiều giao dịch xảy ra, giá mở và giá đóng cửa có thể được thêm vào. Khối lượng được ghi lại muộn hơn, khi có dữ liệu công khai và đầy đủ hơn.
Sự phát triển của nền công nghiệp này có ý nghĩa to lớn đối với sàn giao dịch chứng khoán, vì nhờ việc phổ biến tức thì giá thực thi trên sàn, các nhà giao dịch giữ được nhịp chú ý liên tục và tích cực.
Việc phát minh ra các ticker và ticker tape đã tạo ra cuộc cách mạng cho phân tích kỹ thuật. Ngay sau khi Thomas Edison phát minh ra chiếc máy điện báo Edison để in ra tin nhắn từ máy điện báo, vào năm 1867, Edward A.Calahan, một nhân viên của Công ty Điện báo Hoa Kỳ, đã phát minh ra ticker tape. Cuối cùng, nó đã được cải tiến và được cấp bằng sáng chế bởi Thomas Edison vào năm 1871.
Ticker tape tạo ra cách mạng cho PTKT
Phát minh này không chỉ làm cho việc lập biểu đồ thông thường dễ dàng hơn mà còn cho phép lập biểu point and figure, bởi vì các biểu đồ như vậy đòi hỏi kiến thức về mọi mức giá mà một mặt hàng đã giao dịch trong ngày. Nếu không có ticker tape, việc thu thập thông tin này sẽ khó khăn hơn trong các thị trường có nhiều giao dịch trong một ngày.
Biểu đồ P&F
Công nghệ hiện đại đã đơn giản hóa rất nhiều công việc xây dựng biểu đồ. Sức mạnh máy tính đã thay thế nhiều công việc tẻ nhạt của con người. Giờ đây, ngay cả chiếc máy tính đơn giản nhất cũng có thể lưu trữ dữ liệu giá chứng khoán hàng ngày và tạo ra nhiều loại biểu đồ được các nhà phân tích kỹ thuật sử dụng.
Giờ đây một cá nhân cũng có thể dựng biểu đồ
Ngoài ra, các chương trình phần mềm phức tạp khác được thiết kế đặc biệt cho phân tích kỹ thuật luôn có sẵn. Các chương trình này không chỉ vẽ biểu đồ và chỉ báo, mà còn có thể backtest các quy tắc giao dịch. Ví dụ như AIQ, Amibroker, eSignal. Metastock, Neuroshell Trader, Ninjatrader và Wealth-Lab... Ngoài phần mềm biểu đồ, các website còn lưu trữ nhiều trang biểu đồ, ví dụ như StockCharts.com, www.bigcharts.com, Finance.yahoo.com, và freestockcharts.com. Ngày nay, nhà phân tích kỹ thuật có thể tập trung nhiều thời gian và sự chú ý hơn vào việc phân tích và ít hơn nhiều vào việc xây dựng biểu đồ.
Giao diện AmiBroker
Trong nhiều năm, những nhà PTKT đã phát triển một số cách tiếp cận khác nhau để xây dựng biểu đồ. Bốn loại biểu đồ chính mà chúng ta thường thấy là biểu đồ dạng đường, biểu đồ dạng thanh, biểu đồ nến, biểu đồ point & figure. Mỗi cách tiếp cận đều có các tính năng, lợi ích và hạn chế riêng. Cho dù nhà phân tích kỹ thuật chọn sử dụng phương pháp nào, các biểu đồ đóng vai trò như bản đồ chỉ đường cho anh ta.
Tham khảo CMT curriculum