Giới đầu tư "bỏ của chạy lấy người" trước triển vọng lãi suất của Fed
Trần Minh Đức
Junior Analyst
Trong tuần này, có tới 5 quỹ ETF đầu tư cổ phiếu, trái phiếu hoặc hàng hóa đều đang giảm lần đầu tiên trong một tháng. Mỗi ETF đều giảm ít nhất 0.8% trong bốn phiên giao dịch và mức giảm đồng bộ này khiến chúng trải qua tuần kém nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Sự sụt giảm đã lan rộng sau khi Cục Dự trữ Liên bang nhắc lại hôm thứ Tư rằng họ dự báo lãi suất sẽ vẫn ở mức cao trong năm tới, do sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Trong các dự báo, 12 trong số 19 quan chức đưa ra tín hiệu rằng họ sẽ thấy một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay và có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn trước đó, một phần do thị trường lao động mạnh hơn.
Chris Gaffney, trưởng bộ phận thị trường thế giới tại EverBank, cho biết: “Rất nhiều nhà đầu tư đã chờ đợi Fed điều chỉnh theo kỳ vọng - họ kỳ vọng Fed sẽ thay đổi quan điểm để phù hợp hơn với thị trường. Trái lại, thay vào đó Fed đang giữ vững lập trường và giờ đây thị trường đang phải điều chỉnh theo Fed.”
Chỉ số S&P 500 hôm thứ Năm đã giảm ngày thứ ba liên tiếp, tổng cộng hơn 2%. Chỉ số Nasdaq 100 thậm chí còn tệ hơn khi giảm 3%. Và theo HSBC, đà giảm có thể kéo dài nếu Fed tiếp tục giữ nguyên lập trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài, khiến lợi suất thực tăng lên, thúc đẩy một đợt bán tháo trên diện rộng.
Fed diều hâu hơn so với thị trường kỳ vọng và với kịch bản lãi suất cao hơn trong thời gian dài, lợi suất thực có thể tăng trở lại. Theo các chiến lược gia Max Kettner và Duncan Toms của HSBC, bối cảnh như vậy sẽ “đáng lo ngại” và có thể gây ra một đợt bán tháo trên diện rộng tương tự như đợt bán tháo đã xảy ra vào năm 2022. Họ trích dẫn dữ liệu trong hai năm qua cho thấy lợi suất thực cao hơn có xu hướng gây tổn hại đến cổ phiếu cũng như trái phiếu chính phủ.
USD, và có thể là thị trường hàng hóa là những sản phẩm đáng chú ý trong tình trạng risk-off như vậy.
“Điều này sẽ tạo thành một nền kinh tế không lý tưởng hoàn toàn, một môi trường không hẳn đem lại cổ phiếu, nhưng trong đó USD lại hưởng lợi và các loại tài sản mang tính chu kỳ như cổ phiếu hoặc năng lượng cũng đang hoạt động tốt,” họ đã viết trong một ghi chú. “Dự báo trong năm 2024, chúng tôi tiếp tục nghĩ rằng đây là kết quả có thể xảy ra nhất.”
Nhưng thay vì kỳ vọng nền kinh tế tìm được điểm hoàn hảo - giống như năm 2019 và 2021 - lần này có thể sẽ có một số trở ngại vì những bước ngoặt đối với lạm phát “thực sự quan trọng”, Kettner nói thêm rằng mức giảm từ 4.5% xuống 3% của chỉ số giá tiêu dùng hiện nay sẽ thu hút sự chú ý.
Chuyên gia Albert Edwards của Societe General cho biết trong một báo cáo rằng sau khi Fed tạm dừng thắt chặt một cách diều hâu, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã cao hơn so với lợi suất cổ phiếu toàn cầu. Chiến lược gia này ví kịch bản hiện tại với năm 2007, “ngay trước khi mọi thứ sụp đổ”.
“Thị trường cổ phiếu hiện tại bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thị trường trái phiếu,” ông viết. “Bạn có nhớ ‘Mô hình Fed’ không?” ông nói thêm, đề cập đến một lý thuyết cho rằng cổ phiếu cần mang lại lợi suất cao hơn để duy trì tính cạnh tranh.
Sự suy yếu của cả trái phiếu và cổ phiếu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến chiến lược phân bổ 60% tiền cho cổ phiếu và 40% cho trái phiếu. Chỉ số danh mục 60/40 này đã giảm gần 2% trong tháng 9. Với mối tương quan 60 ngày giữa S&P 500 và Trái phiếu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2, sự đồng pha ngày càng tăng đặt ra câu hỏi về vai trò của trái phiếu như một biện pháp phòng ngừa rủi ro khi tài sản rủi ro giảm.
Trong khi đó, hàng tỷ USD đã đổ vào các quỹ công nghệ trong năm qua, trong đó lĩnh vực này chứng kiến dòng vốn tích lũy toàn cầu đạt khoảng 40 tỷ USD, theo dữ liệu của EPFR và Deutsche Bank tổng hợp. Dòng vốn cũng đã phần nào được rút ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại có thể không phải là điềm báo tốt cho các nhà đầu tư tập trung vào công nghệ nhưng lại khá khả quan với ngành năng lượng, một lĩnh vực đang phục hồi trong những tuần gần đây, theo Bob Elliott, Giám đốc điều hành và đầu tư tại Unlimited Funds.
Elliott cho biết: “Định giá công nghệ tăng cao, lợi suất trái phiếu dài hạn tăng và giá dầu tăng đang khiến thị trường bị thắt chặt”.
Bloomberg