Giới trader quyền chọn JPY không hề nao núng về rủi ro can thiệp từ Nhật Bản
Trần Minh Đức
Junior Analyst
JPY có thể sẽ trở lại vùng đáy dẫn tới sự can thiệp của Bộ Tài chính năm ngoái, nhưng các nhà đầu tư quyền chọn dự báo rằng sẽ không có cú sốc nào từ nền kinh tế.
Biến động ngụ ý 1 tuần của USDJPY, thước đo kỳ vọng về hướng đi của cặp tiền trong giai đoạn này, đang giảm dần nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong năm nay.
Điều đó báo hiệu rằng các nhà đầu tư quyền chọn dự báo ít có khả năng can thiệp ngay cả khi USDJPY tăng lên 145.90 - mức mà các nhà hoạch định chính sách đã can thiệp vào tháng 9 năm ngoái - hoặc họ tin rằng việc BoJ tham gia thị trường sẽ không gây nhiều chấn động.
Trong khi Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết hôm thứ Ba rằng ông đang theo dõi xu hướng thị trường một cách sốt sắng, thì các nhà đầu tư và quan chức chính phủ dường như coi mức biến động là yếu tố quan trọng hơn mức tỷ giá cụ thể.
David Forrester, chiến lược gia FX cấp cao tại Credit Agricole CIB ở Singapore cho biết: “Sự can thiệp ngôn từ của ông Suzuki ở cấp độ 4 trên 7 trong thang đo của chúng tôi.” Ông nói thêm rằng mức 7 là mức mà tuyên bố sẽ sớm được hiện thực hóa. Biến động ngụ ý sẽ tăng cao nếu các bình luận trở nên quyết đoán hơn hoặc nếu ông Suzuki nhận định sự biến động trên thị trường FX là ‘một chiều, thái quá và/hoặc không phản ánh phân tích cơ bản’.”
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda đã khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên vào tháng trước trong một cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách khi nói rằng sự biến động trên thị trường ngoại hối là một yếu tố trong quyết định điều chỉnh chương trình tiền tệ của BOJ. Việc điều chỉnh chính sách có hiệu quả nâng trần lợi suất trái phiếu 10 năm lên 1% từ 0.5%.
Tuy nhiên, trong khi lợi suất cao hơn thường được coi là sẽ hỗ trợ đồng tiền này, thì đồng yên vẫn tiếp tục mất giá và tuần này chạm mức yếu nhất trong 9 tháng trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng.
Ngay cả khi Bộ Tài chính quyết định can thiệp vào thị trường bằng cách chỉ đạo BOJ mua và bán tiền tệ, thì không có gì đảm bảo rằng việc can thiệp sẽ ngăn chặn đà trượt giá.
Sau khi JPY phục hồi do sự can thiệp vào tháng 9 năm ngoái, đồng tiền này tiếp tục suy yếu, USDJPY chạm mức 151.95, khiến chính phủ phải tiếp tục can thiệp vào tháng 10 trước khi cặp tiền thực sự đảo chiều. Ba lần can thiệp tiêu tốn khoảng 9,000 tỷ JPY, tương đương khoảng 62 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại.
Bloomberg