Goldman Sachs: Mối đe dọa thuế quan từ Trump đang rình rập một số nước châu Á khác, không chỉ riêng Trung Quốc
Minh Anh
Junior Editor
Theo Goldman Sachs, chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về việc Trump có thể tăng thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc, tuy nhiên, Trung Quốc có thể không phải là quốc gia châu Á duy nhất chịu ảnh hưởng từ điều này.
Theo Andrew Tilton, giám đốc kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Goldman Sachs, thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với Trung Quốc đã giảm nhẹ dưới thời chính quyền Trump, nhưng thâm hụt với các quốc gia xuất khẩu khác ở châu Á lại tăng đáng kể và có thể sẽ thu hút sự quan tâm từ phía Mỹ.
Theo Tilton, với việc Trump và các quan chức tập trung giảm thâm hụt thương mại song phương, thâm hụt với các quốc gia khác có thể sẽ tăng lên, Mỹ có thể có cách phản ứng tức thời và liên tục với những vấn đề mới phát sinh qua việc áp thuế đối với các quốc gia này, giống như cách chơi trò chơi "đập chuột chũi".
Thuế nhập khẩu là một loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu, nhưng không phải do nước xuất khẩu chịu. Thay vào đó, các công ty nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu khoản phí này, làm tăng chi phí của họ.
Tilton nói thêm rằng Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong thương mại với Mỹ. Ông chỉ ra rằng vị trí của Hàn Quốc và Đài Loan phản ánh “lợi thế” của họ trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, trong khi Việt Nam được hưởng lợi từ việc dịch chuyển thương mại từ Trung Quốc.
Năm 2023, thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ đạt mức kỷ lục 44.4 tỷ USD, với xe hơi chiếm gần 30% lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ. Trong quý I năm 2024, xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ đạt mức cao kỷ lục 24.6 tỷ USD, tăng 57.9% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ sản phẩm về công nghệ thông tin. Còn thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ từ tháng 1 đến tháng 9 đạt 90 tỷ USD.
Theo Goldman Sachs, Ấn Độ và Nhật Bản cũng có thặng dư thương mại với Mỹ, trong đó thặng dư của Nhật ổn định hơn, còn của Ấn Độ tăng nhẹ trong những năm gần đây.
Theo dự báo của Tilton, các đối tác thương mại châu Á này có thể sẽ cố gắng giảm bớt thặng dư và “chuyển hướng sự chú ý” của Mỹ bằng cách gia tăng nhập khẩu từ Mỹ khi có thể.
“Ông Trump có thể thông qua các chính sách thương mại để tác động đến các nền kinh tế mới nổi tại châu Á trong nhiệm kỳ thứ hai của mình”, các nhà phân tích của Barclays Bank viết trong một bản báo cáo.
Theo các chuyên gia của Barclays do Brian Tan đứng đầu, các mức thuế mà ông Trump dự kiến áp dụng có thể sẽ gây tác động mạnh hơn đến các nền kinh tế như Đài Loan, trong khi Hàn Quốc và Singapore có khả năng chịu ít ảnh hưởng hơn.
Thái Lan và Malaysia có thể sẽ chịu tác động ở mức trung bình, trong đó Thái Lan có thể gặp phải khó khăn nhiều hơn một chút.
Dữ liệu của Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã giảm xuống 279.11 tỷ USD vào năm 2023, so với 346.83 tỷ USD vào năm 2016.
Mặc dù trong nhiệm kỳ đầu của Trump, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm sau khi áp thuế, nhưng điều này lại chuyển sang các nước thứ ba như Việt Nam, Mexico, Indonesia và Đài Loan, theo cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia Mari Pangestu. Nhưng nếu nhìn vào chuỗi cung ứng, thực tế là phần lớn các linh kiện vẫn đang được cung cấp từ Trung Quốc. Vì vậy, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, Trump có thể nhận thấy rằng Trung Quốc vẫn giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Pangestu cho rằng việc áp dụng các biện pháp bảo hộ sẽ không chỉ nhắm đến Trung Quốc mà còn tác động đến những quốc gia có thâm hụt thương mại với Mỹ.
Mặc dù có hay không có thuế quan, Goldman Sachs dự báo rằng sẽ có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia khác như Ấn Độ, Mexico, hoặc Đông Nam Á.
Trump đã tuyên bố kế hoạch áp thuế từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, đồng thời áp thuế bổ sung từ 60% đến 100% đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Goldman Sachs cho rằng trong nửa đầu năm 2025, Mỹ có thể áp thuế bổ sung trung bình 20% đối với các sản phẩm từ Trung Quốc.
CNBC