Học giả Châu Á Stephen Roach cảnh báo: Sự sụp đổ của đồng Dollar là gần như không thể tránh khỏi
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
Thời đại của một đồng Dollar mạnh mẽ có thể không còn kéo dài.
Stephen Roach, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Châu Á, đang lo lắng rằng bối cảnh toàn cầu đang thay đổi kết hợp với thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ sẽ khiến đồng Dollar sụp đổ.
“Nền kinh tế Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố mất cân bằng vĩ mô đáng kể trong một thời gian dài, cụ thể là tỷ lệ tiết kiệm trong nước rất thấp và sự thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài,” chủ tịch cũ của Morgan Stanley Châu Á nói với chương trình “Trading Nation” của CNBC. “Đồng Dollar sẽ giảm rất mạnh.”
Ông dự báo mức giảm 35% so với các đồng tiền chính khác.
“Những vấn đề này đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta cố gắng giải quyết thâm hụt ngân sách trong những năm tới,” Roach, một thành viên cao cấp của Đại học Yale nói.
Chỉ số đồng Dollar Mỹ tăng hơn 1% trong hai tuần qua và đã phục hồi lại mức đầu năm nay. Nhưng Roach tin rằng đây không phải là thời điểm để tự mãn.
“Tỷ lệ tiết kiệm quốc gia có thể sẽ tiến sâu vào vùng tiêu cực hơn bao giờ hết đối với nước Mỹ hoặc bất kỳ nền kinh tế hàng đầu nào trong lịch sử,” ông nói.
Roach cho rằng các thế lực khác cũng đang ở trong cuộc chơi này.
“Đồng thời, nước Mỹ cũng đang rời bỏ xu hướng toàn cầu hóa và tập trung vào việc tách rời chính nó khỏi phần còn lại của thế giới,” Roach nói. “Đó là một sự kết hợp chết người.”
Câu hỏi lớn: Vậy điều đó sẽ xảy ra nhanh hay chậm?
Theo tính toán sơ bộ của ông - điều đó sẽ xảy ra trong 1 hoặc 2 năm tới, có thể lâu hơn. Tuy nhiên, Roach cho rằng sự sụp đổ của đồng Dollar là gần như không thể tránh khỏi, và đó là một rủi ro mà nhà đầu tư không nên bỏ qua.
“Nói chung, nó mang ý nghĩa tiêu cực đối với các tài sản tài chính ở Mỹ,” ông nói thêm. “Nó chỉ ra khả năng lạm phát tăng cao khi chúng ta nhập khẩu hàng hóa có chi phí cao hơn từ nước ngoài, và đó là một yếu tố tiêu cực cho lãi suất.”
Ông lo ngại rằng một vụ sụp đổ của đồng Dollar có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng Lạm phát đình đốn (stagflation) như cuối thập niên 1970, khi giá cả tăng mạnh trong khi tăng trưởng kinh tế bị hạn chế.
Theo Roach, thậm chí sự thay đổi ban lãnh đạo ở Washington vào tháng 11 cũng sẽ không thể thay đổi kịch bản này - đặc biệt là khi các nhà lập pháp đang cố gắng chống lại tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng COVID-19 bằng các biện pháp kích thích chưa từng có tiền lệ.
“Các nhà hoạch định chính sách chưa từng phải đối phó với bất cứ điều gì giống như sự gián đoạn kinh tế lần này,” ông Roach nói.