Hướng dẫn toàn diện về lý thuyết sóng Elliott . Phần 2: Sóng điều chỉnh
Uông Quang
Manager, Technical Analyst
Phần tiếp theo trong series kiến thức về lý thuyết sóng Elliott, về các mô hình sóng điều chỉnh.
Xu hướng bao gồm mô hình 5 sóng đẩy được nối tiếp bằng sự điều chỉnh bởi mô hình 3 sóng điều chỉnh ABC. Những chữ cái cũng được sử dụng để đánh dấu sự điều chỉnh, để phân biệt với những con số. Hãy xem ví dụ dưới đây cho mô hình 3 sóng điều chỉnh.
Chúng ta đang sử dụng xu hướng tăng làm ví dụ, nhưng điều đó không có nghĩa là lý thuyết sóng Elliott không hoạt động trong thị trường giảm điểm. Mô hình sóng 5-3 trong thị trường giảm điểm sẽ như sau:
Theo Elliott, có tất cả 21 mô hình sóng điều chỉnh bao gồm từ cơ bản đến phức tạp. Nghe thì có vẻ rắc rối nhưng 21 mô hình này hầu hết chỉ là những biến thể của 3 mô hình cơ bản mà chúng ta sẽ cùng nghiên cứu sau đây.
Mô hình Zig-Zag
Mô hình Zig-Zag là biến động rất dốc của giá và di chuyển ngược lại so với xu hướng trước đó. Sóng B thường là sóng ngắn nhất so với sóng A và sóng C. Mô hình zig-zag có thể xuất hiện 2 lần, thậm chí là 3 lần trong một đợt điều chỉnh (2 đến 3 mô hình zig-zag dính liền vào nhau) tạo thành sóng kép. Cũng như các sóng khác, mỗi sóng của mô hình zig-zag lại có thể chia thành mô hình 5 sóng nhỏ bên trong.
Mô hình phẳng (Flats)
Mô hình phẳng là sóng điều chỉnh đi ngang. Trong mô hình phẳng, độ dài của các sóng thường xấp xỉ nhau, đôi khi sóng B có thể vượt qua khỏi điểm bắt đầu của sóng A.
Mô hình tam giác
Mô hình tam giác là sự điều chỉnh đi sideway trong biên độ hẹp bị giới hạn bởi hai đường xu hướng đang co hẹp hoặc mở rộng. Tam giác thường có cấu tạo 5 sóng đi ngược với xu hướng ban đầu và trong trạng thái đi ngang. Tam giác này có thể là tam giác cân, tam giác tăng, tam giác giảm hoặc tam giác mở rộng.
Sóng nằm trong sóng
Sóng Elliot có tính phân hình (fractals), mỗi sóng lại được tạo thành từ những sóng nhỏ hơn.
Bạn có thể thấy sóng 1, 3 và 5 được hình thành từ những mô hình 5 sóng đẩy nhỏ hơn, trong khi sóng 2 và 4 được hình thành từ mô hình 3 sóng điều chỉnh nhỏ. Luôn nhớ rằng mỗi con sóng lại được hình thành từ những mô hình sóng nhỏ hơn. Mô hình này tự nó lặp lại mãi mãi theo từng cấp độ của sóng. Một sóng siêu chu kỳ được cấu thành từ nhiều sóng chu kỳ. Một sóng chu kỳ được cấu thành từ các sóng chính. Một sóng chính được cấu thành từ các sóng trung gian. Một sóng trung gian được cấu thành từ các sóng nhỏ. Một sóng nhỏ được cấu thành từ các sóng siêu nhỏ,… Bạn có thể hình dung chúng trên các khung thời gian khác nhua của biểu đồ forex như MN1, W1, D1, H4, H1, M15,…
Ba quy tắc của sóng Elliott
Điều quan trọng nhất khi sử dụng lý thuyết sóng Elliott trong giao dịch là bạn phải nhận diện đúng sóng. Nếu làm được điều này, bạn sẽ biết được thị trường hiện tại đang ở sóng nào và từ đó sẽ dự đoán được thị trường sẽ đi đâu tiếp theo để có hướng giao dịch phù hợp. Có 3 quy tắc chính không thể phá vỡ trong việc đếm sóng. Việc đếm sai sóng có thể dẫn đến việc phá hủy tài khoản giao dịch của bạn:
- Quy tắc số 1: Sóng 3 không bao giờ là sóng ngắn nhất trong số các sóng đẩy.
- Quy tắc số 2: Sóng 2 không bao giờ được vượt khỏi điểm hình thành sóng 1.
- Quy tắc số 3: Sóng 4 không bao giờ đi vào vùng giá của sóng 1.
Bên cạnh đó, có những chỉ dẫn giúp bạn đếm sóng tốt hơn. Không giống như 3 quy tắc trên, những chỉ dẫn này có thể bị sai trong một số trường hợp:
- Đôi khi, sóng 5 không thể vượt qua được điểm kết thúc của sóng 3. Đây gọi là hiện tượng “sóng cụt” (truncation).
- Sóng 3 thường là rất dài, mạnh và mở rộng dạng 5 sóng nhỏ.
- Sóng 2 và sóng 4 thường sẽ bật lại từ các vùng Fibonacci retracement.
Chúc các bạn thành công với giao dịch theo sóng Elliott, hẹn gặp lại.
Happy trading !!