IMF: Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 5 năm tới ở mức thấp nhất kể từ năm 1990
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới là yếu nhất trong hơn 3 thập kỷ, kêu gọi các quốc gia tránh phân mảnh kinh tế do căng thẳng địa chính trị và đưa ra các động thái thúc đẩy sản xuất.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết hôm thứ Năm rằng nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong nửa thập kỷ tới khi lãi suất cao hơn. Đó là dự báo tăng trưởng trung hạn thấp nhất kể từ năm 1990 và thấp hơn mức trung bình 5 năm là 3.8% trong hai thập kỷ qua.
Bà cho biết đến năm 2023, GDP toàn cầu có thể sẽ tăng dưới 3%. Điều này giống với dự báo tháng 1 của IMF là 2.9%.
IMF cho biết, khoảng 90% các nền kinh tế phát triển sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm nay do chính sách tiền tệ thắt chặt đè nặng lên nhu cầu và làm chậm hoạt động kinh tế ở Mỹ và Khu vực Eurozone. Họ có kế hoạch phát hành một báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới chi tiết hơn vào ngày 11/4 trong Hội nghị mùa Xuân được tổ chức cùng với Ngân hàng Thế giới (WB).
Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát toàn cầu và đang thúc đẩy nạn đói trên khắp thế giới.
“Với căng thẳng địa chính trị gia tăng và lạm phát vẫn ở mức cao, nền kinh tế toàn cầu khó có khả năng phục hồi mạnh mẽ,” bà Georgieva cho biết. “Điều này gây tổn hại đến triển vọng của tất cả nền kinh tế, đặc biệt là đối với những quốc gia dễ bị tổn thương.”
Một số thị trường mới nổi đang thể hiện sức mạnh, đặc biệt là ở châu Á, với Ấn Độ và Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm một nửa mức tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia thu nhập thấp đang gặp khó khăn do nhu cầu với hàng xuất khẩu của họ suy yếu, với mức thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp hơn so với các nền kinh tế mới nổi. Tình trạng nghèo đói có thể gia tăng.
Bất chấp triển vọng tăng trưởng ảm đạm, lạm phát cao sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải tiếp tục tăng lãi suất, miễn là những lo ngại về sự ổn định tài chính đã giảm bớt sau những biến động gần đây trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ.
Nếu hệ thống ngân hàng trở nên bất ổn, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đánh đổi giữa lạm phát và việc bảo vệ hệ thống tài chính. “Họ cần thận trọng và nhanh nhẹn hơn bao giờ hết,” bà Georgieva nói thêm.
Các nhà hoạch định chính sách sẽ có cuộc họp tại Washington, tập trung vào những thách thức toàn cầu, từ nợ không bền vững ở các quốc gia đang phát triển đến lạm phát và biến đổi khí hậu.
Thông điệp rõ ràng của bà Georgieva được đưa ra một ngày sau khi IMF cảnh báo rằng sự phân mảnh địa chính trị, do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu, với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác ngày càng tập trung vào các khối liên kết.
Bà nhắc lại lời cảnh báo từ tháng 1 rằng sự phân mảnh thương mại trong dài hạn - bao gồm các hạn chế về di cư, dòng vốn và hợp tác quốc tế - có thể làm giảm tới 7% GDP toàn cầu - tương đương với GDP hàng năm của Đức và Nhật Bản. Bà Georgieva cho biết, sự gián đoạn đối với thương mại công nghệ có thể dẫn đến thiệt hại lên tới 12% GDP đối với một số quốc gia.
Cuộc chiến Nga - Ukraine vào năm ngoái đã khiến lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Sự ủng hộ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành cho Tổng thống Nga, Vladimir Putin, bao gồm cả chuyến đi tới Moscow vào tháng trước, đã khiến chính quyền Biden chỉ trích và làm tồi tệ thêm mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị ảnh hưởng trong những năm gần đây, vốn đã xấu dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, người đã khơi mào chiến tranh thương mại dẫn đến thiệt hại hàng trăm tỷ USD thuế quan.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã duy trì đường lối cứng rắn, chủ yếu tập trung vào các mối quan ngại về kinh tế và an ninh quốc gia.
Năm ngoái, Mỹ đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với công nghệ bán dẫn xuất khẩu sang Trung Quốc và đã dành nhiều năm nhắm mục tiêu vào Huawei Technologies, công ty hàng đầu về cơ sở hạ tầng viễn thông mà Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia có quan hệ với chính phủ Trung Quốc.
Mới tuần trước, Bắc Kinh có một động thái mới trong cuộc chiến chip đang leo thang, tiến hành điều tra an ninh mạng đối với hàng nhập khẩu từ nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ, Micron Technology. Và vào thứ Tư, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã gặp gỡ với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) tại California.
Giữa cuộc xung đột này và sau sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19, Mỹ đã khuyến khích hoạt động kinh doanh ở gần, kêu gọi các công ty chuyển nhà cung cấp đến các quốc gia lân cận và đặc biệt là cách xa châu Á và Trung Quốc.
Bà Georgieva kỳ vọng các quốc gia sẽ tăng cường chuỗi cung ứng. Bà cũng nhắc lại lời kêu gọi các nước thành viên IMF giảm nợ cho những quốc gia gặp khó khăn và đóng góp vào quỹ tín thác cho các quốc gia nghèo đang thiếu hàng tỷ USD.
Bloomberg