IMF: Trung Quốc cần có trách nhiệm với các khoản nợ công trên thế giới
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Giám đốc IMF cho biết Trung Quốc, chủ nợ song phương lớn nhất của các nước đang phát triển, cần chứng tỏ rằng họ sẽ tham gia vào quá trình giảm nợ quốc tế cho các quốc gia nghèo đang gặp khó khăn trong việc chi trả.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết hôm thứ Năm: “Việc tái cấu trúc nợ đa phương đòi hỏi Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc đã được thiết lập. Bây giờ là lúc để Trung Quốc chứng minh rằng họ sẽ tuân theo các quy tắc này.”
Bà Georgieva tin rằng Trung Quốc sẽ tham gia tái cấu trúc nợ cho Zambia, quốc gia đã đàm phán trong hơn hai năm để xử lý khoản vay trị giá 12.8 tỷ USD từ vụ vỡ nợ chính phủ đầu tiên trong kỷ nguyên đại dịch ở Châu Phi. Tuy nhiên, IMF có thể cần phải xem xét các lựa chọn khác để giải ngân, bà nói.
Tổ chức Paris Club gồm hầu hết các nước chủ nợ phương Tây, cùng với quốc gia cho vay mới là Trung Quốc, Ấn Độ và Saudi Arabia vào cuối năm 2020 đã đồng ý với chương trình Common Framework nhằm tái cơ cấu nợ của các nước nghèo. Nhưng quá trình này đã bị chậm trễ và Bắc Kinh miễn cưỡng đưa ra sự cứu trợ.
Tháng trước, bà Georgieva đã cho biết thế giới đang rất cần các quy trình nhanh và hiệu quả hơn để tái cơ cấu các khoản nợ của các quốc gia dễ bị tổn thương.
Trong khi bà nói rằng việc Trung Quốc tham gia vào Common Framework và Hội nghị bàn tròn về nợ công toàn cầu (Global Sovereign Debt Roundtable) là “rất đáng hoan nghênh”, một số quốc gia phương Tây bao gồm Mỹ, quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn của IMF, đã cáo buộc Bắc Kinh chần chừ trong việc cung cấp cứu trợ.
Vấn đề này sẽ được bàn luận tại Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới vào tuần tới.
Trung Quốc đã cản trở tiến trình đàm phán về nợ của Zambia - quốc gia đang tham gia Common Framework - với việc kêu gọi khoản vay từ các ngân hàng phát triển đa phương và chủ nợ trong nước vào quá trình tái cơ cấu của quốc gia. Mỹ và các nước khác đã từ chối đề xuất này.
Đối với Zambia, “Thủ tướng Trung Quốc đảm bảo sẽ thực hiện vai trò của mình,” bà Georgieva nói. “Kế hoạch A là yêu cầu các nước chủ nợ đưa ra động thái hỗ trợ”.
“Chúng tôi hy vọng rằng nợ của Zambia sẽ được giải quyết,” bà Georgieva nói hôm thứ Năm. “Nếu điều này không đạt được trong những tuần tới, chúng tôi phải xem xét các lựa chọn khác.”
Giám đốc Georgieva phát biểu sau khi một nhân viên IMF trước đó vào thứ Năm tuyên bố đã hoàn thành việc xem xét chương trình cho vay trị giá 1.3 tỷ USD của Zambia.
Thông thường, Zambia sẽ cần các chủ nợ chính thức là Trung Quốc và Pháp đồng ý xóa nợ trước khi IMF ký vào kế hoạch giải ngân khoản tài trợ tiếp theo trị giá khoảng 188 triệu USD cho một quốc gia mà sự chậm trễ trong tái cơ cấu đã ảnh hưởng đến đồng nội tệ và lạm phát.
Nhưng các nhà phân tích đã đưa ra khả năng IMF áp dụng một chính sách hiếm khi được sử dụng về cho vay đối với các khoản nợ chính thức để xem xét việc giải ngân cho Zambia.
Điều khoản này nhằm mục đích hạn chế các chủ nợ chần chừ trong việc cung cấp hỗ trợ cho quốc gia đang rất cần tài chính và đã thể hiện cam kết đáp ứng các điều kiện cho vay.
IMF có thể sử dụng chính sách cho vay đối với các khoản nợ chính thức nếu họ cho rằng hỗ trợ tài chính nhanh chóng là cần thiết và nhận thấy các quốc gia này đang theo đuổi chính sách phù hợp cũng như có nỗ lực thiện chí để đạt được thỏa thuận với các nước chủ nợ.
Nhưng bà Georgieva nói rõ rằng ưu tiên của họ là việc Trung Quốc đồng ý đưa ra sự cứu trợ.
Bà cho biết: “Cho vay không làm giảm nợ. Đẩy chỉ là sự trì hoãn. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bám sát theo Kế hoạch A.”
Bloomberg