Jerome Powell: chưa cần thiết phải phản ứng với đà tăng của lợi suất trái phiếu
Tùng Trịnh
CEO
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết chính sách tiền tệ hiện tại là phù hợp và không có lý do gì để phải đẩy lùi đà tăng lợi suất trái phiếu kho bạc trong tháng qua.
“Chúng tôi tin rằng lập trường chính sách tiền tệ mà chúng tôi có ngày hôm nay là phù hợp” Powell nói trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm thứ Tư sau cuộc họp của FOMC. “Chúng tôi thấy rằng kế hoạch mua tài sản hiện tại trên các kỳ hạn, với 80 tỷ đô la trái phiếu kho bạc, 40 tỷ đô la trong chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp, vẫn là kế hoạch thích hợp”
Lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong tháng qua khi triển vọng kinh tế được cải thiện, trong bối cảnh các đợt tiêm chủng được đẩy nhanh và gói kích thích tài khoá mới trị giá 1.9 nghìn tỷ đô la được thông qua, điều này khiến các nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất sớm hơn so với các thông điệp họ đưa ra trước đó.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng vào thứ Tư lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra hơn một năm trước, trong khi lợi suất 30 năm chạm mức cao nhất kể từ năm 2019.
“Nếu bạn nhìn vào các chỉ số về điều kiện tài chính, chúng thường cho thấy các điều kiện tài chính về tổng thể có khả năng thích ứng cao,” Powell nói. "Và điều đó là thích hợp."
Sự gia tăng lợi suất đã gây ra một cuộc tranh luận về việc liệu Fed có đẩy lùi động thái này hay không. Bằng cách cho rằng đà tăng này đang khiến các điều kiện tài chính bị thắt chặt theo cách không mong muốn, có thể sẽ dạo đầu cho sự can thiệp của Fed.
Powell đã lặp lại quan điểm mà mình bày tỏ đầu tháng này: “Tôi lo ngại về tình trạng hỗn loạn trên thị trường, nếu sự thắt chặt liên tục của các điều kiện tài chính đe dọa đến các mục tiêu của chúng tôi.”
Hiện nay, Fed có một số công cụ có thể giúp làm giảm lợi suất, bao gồm mua các trái phiếu kho bạc có kỳ hạn dài hơn, chuyển khoản tiền mua chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp sang mua trái phiếu chính phủ, hoặc neo lợi suất ở một con số mục tiêu cụ thể, hay còn được gọi là kiểm soát đường cong lợi suất.
Bloomberg