JPMorgan cảnh báo: Còn quá sớm để quay lại thị trường chứng khoán!
Nguyễn Phan Bảo Giang
FX G7 Director
JPMorgan Asset Management đang cảnh báo các nhà đầu tư không nên vội vã mua cổ phiếu lúc này, vì thị trường vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những diễn biến tiêu cực do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 gây ra.
“Tôi chưa tự tin ủng hộ việc nắm giữ tài sản rủi ro lúc này, bởi các trạng thái sẽ rất dễ tổn thất khi có tin tức tiêu cực liên quan tới vấn đề dịch bệnh được tung ra”, ông Hugh Gimber, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Các biện pháp chính sách đang hỗ trợ phần nào nhưng vẫn không đủ để chúng ta đánh giá chắc chắn rằng thị trường chứng khoán đã tạo đáy” ông cho hay.
Cổ phiếu toàn cầu đã tăng điểm vào tuần trước và phiên giao dịch thứ Hai vừa rồi trong bối cảnh giới đầu tư lạc quan cho rằng các biện pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ có thể hạn chế suy giảm kinh tế bởi đại dịch, nhưng trên thực tế diễn biến của Covid-19 vẫn rất trầm trọng, các công ty vẫn đang tiếp tục hạ triển vọng doanh thu của họ. Toàn bộ thiệt hại về kinh tế vẫn chưa tính toán được hết, vì thế sẽ vô cùng nguy hiểm nếu thị trường quay lại trạng thái risk-on quá sớm, ông Gimber nhận định.
Chiến lược gia của quỹ quản lý trị giá 1.9 nghìn tỷ USD đang theo dõi chặt chẽ sức mạnh của thị trường lao động ở Mỹ và châu Âu để nắm bắt các dấu hiệu về việc các nền kinh tế sẽ có thể hồi phục nhanh như thế nào sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ. Dữ liệu này có thể cung cấp một tín hiệu để quay trở lại mua cổ phiếu, ông nói.
Trong thời gian thử thách này, Gimber khuyên rằng nên tập trung vào các công ty chất lượng với bảng cân đối kế toán rõ ràng và đòn bẩy thấp cả về cổ phiếu và trái phiếu.
“Bạn sẽ muốn đầu tư vào các công ty có bảng cân đối kế toán linh hoạt để có thể vượt qua sự suy giảm hoạt động trong ngắn hạn như hiện nay và trở lại đầy mạnh mẽ khi dịch bệnh qua đi”, ông Gimber nhận định.
Trong thị trường trái phiếu, ông ưu tiên những trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn, vì ông nhận thấy lợi nhuận của những trái phiếu kỳ hạn dài giai đoạn này sẽ hạn chế hơn. Ông đặc biệt quan tâm đến nhóm trái phiếu xếp hạng tín nhiệm cao (investment-grade bonds) đang được hưởng lợi từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác mua lại.
Ngoài ra ông cũng cẩn trọng đối với các trái phiếu rủi ro tín dụng (high-yield bonds) phát hành bởi các công ty có bảng cân đối kế toán thiếu chặt chẽ. “Các ngân hàng trung ương sẽ giúp giải quyết thách thức thanh khoản cho các doanh nghiệp, nhưng họ không thể hỗ trợ giải quyết vấn đề liên quan đến khả năng thanh toán nợ cho những công ty chịu áp lực xoay xở vốn”, ông Gimber khẳng định.
Tuy nhiên, mức chênh lệch hiện nay của các trái phiếu có lợi suất cao mang đến cơ hội hấp dẫn cho những ai muốn đầu tư trong một hoặc hai năm tới, bởi trong ngắn hạn biến động có thể là rất đáng kể.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng vào thứ Ba vừa qua sau khi dữ liệu kinh tế lấn át những ước tính khác và Trái phiếu Kho bạc 10 năm tăng. Tuy nhiên, dịch bệnh Coivid-19 vẫn là thứ ám ảnh tâm trí các nhà đầu tư, khi mà Tây Ban Nha phải trải qua ngày tang thương nhất trong cuộc chiến với đại dịch và chính phủ các nước châu Âu đã nhân đôi nỗ lực để duy trì các lệnh phong tỏa toàn quốc.