JPMorgan: Thị trường chưa phản ánh đủ rủi ro phi đô la hóa
Trần Minh Đức
Junior Analyst
Các nhà đầu tư đặt cược vào sự thống trị của đồng USD trong những năm tới đang bỏ qua những rủi ro về bất ổn chính trị gia tăng ở Mỹ và căng thẳng leo thang với Trung Quốc.
Các chuyên gia của JPMorgan cho rằng thị trường chưa phản ánh đầy đủ nguy cơ vị thế của USD với tư cách là đồng tiền dự trữ và giao thương toàn cầu suy yếu "nhanh và mạnh” về vị thế của đồng bạc xanh - một quá trình được gọi là phi đô la hóa. Nó cũng khiến đồng USD trở nên đắt đỏ trên cơ sở lịch sử.
Các chuyên gia bao gồm Jan Loeys và Joyce Chang cho biết: “Nếu căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng và chúng ta có thêm sự phân mảnh toàn cầu, điều đó có thể dẫn đến phi toàn cầu hóa thương mại và tài chính. Về tài chính, nó cũng có thể dẫn đến phi đô la hóa.”
Một trong những yếu tố có thể đe dọa đến sự thống trị lâu dài của đồng USD là bất ổn chính trị ở Mỹ có thể cản trở nỗ lực quản lý nợ quốc gia, “ngăn chính phủ ổn định nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng”, các chuyên gia viết trong báo cáo được công bố hôm thứ Ba.
Đầu năm nay, chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” (cố gắng đạt được một kết quả có lợi bằng cách đẩy các sự kiện nguy hiểm đến bờ vực xung đột) trên chính trường Mỹ đã đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới khi các chính trị gia tranh cãi về giới hạn trần nợ trước khi đạt được giải pháp vào phút chót. Đó là một hiện tượng có thể sẽ phổ biến hơn trong bối cảnh đất nước ngày càng bị chia rẽ.
Một kịch bản rủi ro khác mà các chuyên gia vạch ra là cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, mà họ cho rằng có thể trở thành “Chiến tranh Lạnh 2.0”. Tại Trung Quốc, rất nhiều cải cách kinh tế - từ nới lỏng hạn chế vốn đến thúc đẩy thanh khoản thị trường - cũng sẽ đe dọa uy thế của đồng USD.
Theo JPMorgan, tác động của việc ít sử dụng đồng USD và những cú sốc đối với sự ổn định của đồng tiền này sẽ được cảm nhận rộng rãi trên các loại tài sản, làm giảm giá trị của đồng bạc xanh.
Trong khi đó, USD từng được giao dịch ở mức tương đối mạnh trong lịch sử khi điều chỉnh theo lạm phát cho đến tháng Năm, theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Đáng chú ý, dữ liệu không bao gồm đợt bán tháo mạnh USD trong tháng 7, khi chỉ số USD Bloomberg giảm gần 2% vào tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.
Các chuyên gia cho biết khả năng USD bị thay thế hoàn toàn với tư cách là đồng tiền dự trữ chính trong vòng 10 năm tới là khá thấp. Họ dự báo “phi đô la hóa một phần” dễ xảy ra hơn, với việc Trung Quốc và CNY – với tư cách là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ – ngày càng đảm nhiệm vai trò của đồng bạc xanh giữa các quốc gia không liên kết với Mỹ.
Mặc dù vẫn là đồng tiền dự trữ chính, tỷ lệ dự trữ quốc tế của USD đã giảm từ 73% năm 2001 xuống còn 58% vào năm 2022, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tuy nhiên, việc phân bổ đồng bạc xanh trong danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư quốc gia đã bù đắp cho sự suy giảm đó.
Đối với các nhà đầu tư lo ngại về việc đồng bạc xanh mất giá cũng như giảm bớt sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, JPMorgan khuyến nghị nên hạ vị thế với USD, thị trường Mỹ cổ phiếu tài chính và trái phiếu nhạy cảm với lãi suất tại Mỹ. Ngân hàng cũng khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu định hướng giá trị, thường “tăng trưởng vượt trội trong môi trường lợi suất thực cao.”
Bloomberg