JPY thoát khỏi vùng can thiệp do lợi suất TPCP Mỹ giảm
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
JPY đang mạnh lên trong những tuần gần đây khi dữ liệu kinh tế yếu hơn của Mỹ đã giúp ích cho các quan chức Nhật Bản.
Dấu hiệu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt đã thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng chính sách trong năm nay. Điều này khiến USD suy yếu so với các đồng tiền khác và JPY là một trong những đồng tiền tăng giá mạnh nhất. USDJPY đã giảm 0.6% xuống mức 153.99, thấp hơn 2% so với mức 157.52 vào ngày 1/5 trước khi có suy đoán rằng Nhật Bản có thể đã can thiệp để hỗ trợ đồng tiền này.
Koji Fukaya, chuyên gia tư vấn rủi ro thị trường ở Tokyo, cho biết: “Sự phục hồi mới nhất của JPY giúp Nhật Bản nhẹ nhõm hơn. Trong khi các quan chức Nhật Bản lo ngại JPY suy yếu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và thúc đẩy lạm phát, động lực lớn nhất khiến đồng yên phục hồi là những dữ liệu từ Mỹ, đặc biệt là khả năng Fed cắt giảm lãi suất”.
JPY thoát khỏi vùng can thiệp do lợi suất TPCP Mỹ giảm
JPY đã biến động mạnh trong những tuần gần đây, USD chạm mức 160 vào cuối tháng 4, sau đó đã có nghi ngờ về 2 đợt can thiệp của Nhật Bản đã giúp JPY tăng tạm thời. Sự phục hồi của JPY cho thấy dữ liệu và chính sách của Mỹ vẫn là động lực chính ảnh hưởng đến tỷ giá USDJPY.
Khoảng cách lớn giữa lợi suất TPCP Mỹ và Nhật Bản đã khiến JPY suy giảm trong thời gian gần đây và dữ liệu lạm phát hôm qua đã khiến lợi suất TPCP Mỹ giảm, giúp JPY tăng trở lại. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đang cao hơn khoảng 3.4% so với lợi suất trái phiếu Nhật Bản. Đây gần như là khoảng cách nhỏ nhất trong hai tháng.
Hirofumi Suzuki, chiến lược gia trưởng ngoại hối tại Sumitomo Mitsui Banking Corp, cho biết: “Trong thời gian gần đây, đồng yên đang có xu hướng trượt giá dần, tuy nhiên với dữ liệu lạm phát hôm qua, kịch bản cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay sắp xảy ra. Đồng Yên đang được hưởng lợi từ điều này.”
Thị trường hợp đồng swaps qua đêm vẫn định giá 63% khả năng BoJ sẽ tăng lãi suất vào tháng 7. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ liệu BoJ có cắt giảm lượng mua trái phiếu một lần nữa vào thứ Sáu hay không.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm thứ Ba cho biết cần có sự phối hợp chính sách chặt chẽ giữa chính phủ và BoJ, đồng thời nói thêm rằng ông đang theo dõi chặt chẽ những động thái của JPY. Điều này nhấn mạnh mối lo ngại của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản rằng JPY quá yếu có thể gây hại cho nền kinh tế.
Bloomberg