Kamala Harris không nên “bắt tay” với ngành công nghiệp crypto
Trần Quốc Khải
Junior Editor
Sau nhiều năm khi các “ông trùm” crypto bị tống vào tù, vô số vụ phá sản, gian lận và thao túng tràn lan, sự biến động chóng mặt và danh sách dài các vụ thua kiện, ngành công nghiệp tiền điện tử vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ tại Mỹ.
Sự phát triển của ngành công nghiệp tiền điện tử một phần là vì lượng tiền mặt khổng lồ mà ngành sẵn sàng chi cho các chiến dịch, nhằm “mua chuộc”, khiến các chính trị gia ủng hộ chương trình nghị sự mang lại lợi ích đặc biệt cho crypto. Mục tiêu lớn của ngành công nghiệp crypto là chọn cơ quan quản lý cho riêng mình, có được “vỏ bọc” hợp pháp, nhưng không phải chịu sự giám sát chặt chẽ.
Vì Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) là một cơ quan rất mạnh và hiệu quả trong việc kiểm soát crypto, nên ngành công nghiệp này coi SEC là “kẻ thù không đội trời chung”. Những người nắm giữ crypto muốn các đồng minh chính trị của mình giao công việc giám sát cho cơ quan quản lý với ít nguồn lực nhất, kém năng lực nhất và dễ bị thâu tóm nhất, đó là Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC).
Với crypto, có thể thấy rõ ràng qua nhiều trường hợp, hầu hết các token được giao dịch đều nằm trong định nghĩa tiêu chuẩn của sản phẩm chứng khoán và nên được SEC quản lý. Những thứ không phải là sản phẩm chứng khoán và nằm trong định nghĩa tiêu chuẩn của hàng hóa nên được CFTC quản lý.
Thực sự có rất ít tranh cãi về vấn đề này giữa những người không nắm giữ crypto. Và đó cũng là lý do tại sao SEC thắng hầu hết các vụ kiện chống lại các công ty crypto. SEC lập luận rằng đa số, nếu không muốn nói là tất cả, các luật về chứng khoán, hàng hóa và ngân hàng áp dụng cho công ty tài chính ở Mỹ đều không áp dụng cho các công ty crypto.
Chưa đầy hai năm sau khi nhiều chính trị gia vội vàng trả lại các khoản đóng góp gian lận cho chiến dịch tranh cử từ FTX, crypto được thúc đẩy mạnh mẽ đến mức ngành công nghiệp này đang nhắm đến mục tiêu tác động tới chiến dịch tranh cử tổng thống của Kamala Harris. Một lập luận tương tự được đưa ra về sự cần thiết của việc chống lại sự ủng hộ của Trump giành cho crypto.
Ngành công nghiệp crypto dường như đang đạt được một số tiến triển. Các quan chức từ chính quyền Biden và chiến dịch của Harris gần đây đã tổ chức một cuộc gọi hội nghị với các đại diện của lĩnh vực crypto. Đây là lý do tại sao bà Harris nên từ chối những lời đề nghị này:
Đầu tiên, sau nhiều năm nỗ lực và tuyên bố rằng crypto có giá trị thực, vẫn chưa có trường hợp thực sự nào để sử dụng chúng cho các mục đích hợp pháp thay thế các loại tiền tệ hiện có. Chúng vẫn là sản phẩm tài chính được lựa chọn bởi tội phạm trên toàn thế giới. Cách sử dụng crypto ít gây hại nhất là đầu cơ và cờ bạc (trái ngược với các mục đích sử dụng khác như trốn thuế, gian lận, tống tiền, trốn tránh lệnh trừng phạt, tài trợ khủng bố, buôn bán ma túy, rửa tiền, …).
Thứ hai, việc nới lỏng quy định về crypto không phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân Mỹ. Theo dữ liệu khảo sát của Fed, trái ngược với tuyên truyền của ngành, chỉ có khoảng 18 triệu người Mỹ trưởng thành sử dụng hoặc sở hữu crypto và con số này đang giảm.
Trong số 88% người dân Mỹ biết về crypto, một cuộc khảo sát của Pew Research vào năm ngoái cho thấy 75% số người được hỏi không thực sự tin tưởng vào tính bảo mật và an toàn của crypto. Theo công ty đầu tư mạo hiểm Digital Currency Group và công ty thăm dò Harris Group (không liên quan đến phó tổng thống), 61-77% cử tri ở sáu tiểu bang chiến trường quan trọng có quan điểm tiêu cực về crypto.
Thứ ba, hồ sơ vi phạm pháp luật trải dài của ngành công nghiệp crypto trái ngược với hồ sơ của Harris với tư cách là công tố viên đấu tranh cho quyền bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư, chống lại hành vi vi phạm pháp luật trong ngành tài chính. Hãy nhớ rằng, khi bà là Tổng Chưởng lý của California, bà đã chịu áp lực rất lớn khi phải chấp nhận một thỏa thuận thế chấp dưới chuẩn toàn cầu với các ngân hàng lớn nhất và quyền lực nhất của Phố Wall. Harris rất cứng rắn, thậm chí còn nói không với giám đốc điều hành của JPMorgan, Jamie Dimon về một thỏa thuận. Điều này không dễ dàng. Nhưng bà đã kiên định và đạt được một thỏa thuận tốt hơn nhiều cho California.
Cuối cùng, cộng đồng da màu thường là nạn nhân của các vụ lừa đảo crypto. Những cộng đồng này có lý do để hoài nghi về hệ thống tài chính truyền thống mà đã loại trừ, phân biệt đối xử và bóc lột họ trong thời gian dài. Thật không may, điều này khiến họ trở thành mục tiêu của ngành công nghiệp crypto, nơi đưa ra các cơ hội về việc xây dựng sự giàu có “giả tạo”. Một cuộc khảo sát năm 2021 của viện nghiên cứu khoa học xã hội NORC tại Đại học Chicago ước tính 44% các nhà giao dịch crypto không phải là người da trắng.
Harris có rất nhiều việc phải làm trước cuộc bầu cử. Nhưng trong danh sách các việc cần làm, không nên có sự "thoả hiệp" với nền công nghiệp crypto.
Financial Times