Kế hoạch cho năm 2023 của OPEC+ sẽ tạo ra rủi ro lạm phát

Kế hoạch cho năm 2023 của OPEC+ sẽ tạo ra rủi ro lạm phát

15:50 15/02/2023

OPEC+ có một kế hoạch cho năm 2023 – và ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, họ hoàn toàn chưa có động thái gì cả. Sau chuyến thăm Trung Đông vào tuần trước, cụm từ được tổ chức này dùng thường xuyên nhất là “hãy chờ đợi”

Vào tháng 10, vài tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng sản xuất, gây ra sự phản đối từ Washington. Bất chấp động thái này, giá dầu thô Brent đã giảm từ 95 USD/thùng trong quý IV năm ngoái xuống còn 75 USD/thùng do nhu cầu của Trung Quốc yếu và sản lượng xuất khẩu từ Nga và Iran tăng mạnh bất chấp các lệnh trừng phạt. Đối với các quan chức OPEC+, mức giảm 20% cho thấy thái độ thận trọng của họ, với quan điểm rằng nếu chiến lược này đã thành công vào năm ngoái, thì nó cũng sẽ có hiệu quả vào năm 2023.

Thật lạc quan khi nghĩ rằng những gì họ đã làm được vào năm 2022 sẽ diễn ra tương tự trong năm nay. Nhưng nếu OPEC+ tính toán sai về cung và cầu, họ có nguy cơ khiến giá năng lượng tăng cao trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải chống chọi với lạm phát dai dẳng. Hiện tại, giá dầu Brent đã phục hồi từ mức thấp trong tháng 12. Sau khi Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu 5% vào tuần trước - tương đương khoảng 500,000 thùng/ngày - để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây, giá hàng hóa này đã tăng lên trên 85 USD/thùng.

Tuy nhiên, quan điểm của OPEC+ về lượng thùng dầu là thà quá ít còn hơn quá nhiều, ít nhất là trong nửa đầu năm nay hoặc có thể là cả năm 2023. Ngay lập tức, nhóm đã quyết định không bổ sung phần cắt giảm của Nga. Các quan chức Trung Đông chỉ ra rằng từng có rất nhiều tiền lệ về việc một quốc gia OPEC+ hành động đơn phương: Saudi Arabia, UAE và Kuwait đã tự nguyện cắt giảm sản lượng vào tháng 6/2020, và sau đó là Riyadh vào tháng 2/2021. Nga có quyền hành động tương tự như vậy. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây bị nhiều quốc gia trong OPEC+ phản đối.

Hậu quả của cách tiếp cận thận trọng là giá dầu có thể tăng lên 90 - 100 USD/thùng vào cuối năm nay, đây có lẽ là kết quả mà OPEC muốn. Ưu tiên của họ, đặc biệt là Saudi Arabia, là bảo vệ doanh thu từ dầu mỏ. Nếu việc cắt giảm không đáp ứng đủ nhu cầu, giá năng lượng có thể sẽ cao hơn dự kiến, khiến các ngân hàng trung ương gặp khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát. Điều này có thể khiến lãi suất cao hơn, ảnh hưởng đến mọi thứ, từ trái phiếu, cổ phiếu đến bất động sản.

Liệu OPEC+ thực sự sẽ không có động thái gì trong cả năm? Hiện tại, các quan chức nói rằng họ sẽ duy trì sản lượng không đổi trong nhiều tháng tới. Không có bất kỳ quốc gia tiêu thụ nào phản đối việc giá dầu thô Brent ở mức 85 USD/thùng. Nhưng áp lực đối với tổ chức này sẽ leo thang nếu giá tăng lên trên 90 USD/thùng. Thêm 10% nữa, đưa giá dầu Brent lên gần 100 USD, sẽ gây ra sự bất ổn ở Mỹ và Châu Âu.

Các quan chức OPEC+ thừa nhận nền kinh tế toàn cầu đang ở tình trạng tốt hơn so với 4 tháng trước, khi họ cắt giảm sản lượng do dự đoán nhu cầu giảm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện đang nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới tăng lên 2.9% trong năm nay, so với dự báo 2.7% trong tháng 10. Lạm phát có thể đã đạt đỉnh và các ngân hàng trung ương ngày càng tự tin rằng họ sẽ hạ cánh mềm.

Trung Quốc đang mở cửa trở lại nhanh chóng, điều mà bốn tháng trước không ai dự đoán được. Gần 1.1 triệu người đã đi tàu điện ngầm tại Bắc Kinh vào tuần trước, cao nhất trong hơn một năm. Các công ty dầu khí quốc gia Trung Đông cũng bắt đầu nhận thấy nhu cầu từ Trung Quốc đang tăng cao hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng về những động thái tiếp theo, lưu ý rằng Trung Quốc đã trải qua nhiều đợt phong tỏa, sau đó nới lỏng và tiếp tục phong tỏa kể từ thời gian đầu của đại dịch Covid-19.

Thị trường dầu vật chất cũng đang có những dấu hiệu phục hồi. Ví dụ, vào đầu tháng 2, Saudi Aramco, công ty dầu mỏ khổng lồ, đã tăng giá bán chính thức cho châu Á lần đầu tiên sau 6 tháng.

Nhưng các quan chức OPEC+ vẫn chưa hết lo lắng. Họ cho biết ngay cả sau khi Nga cắt giảm sản lượng, tồn kho dầu vẫn có khả năng tăng trong vài tháng tới trước khi đảo ngược vào nửa cuối năm. Theo dự đoán hiện tại của OPEC, lượng dự trữ dầu toàn cầu sẽ chỉ giảm mạnh trong quý IV, khi nhu cầu tăng lên 30.4 triệu thùng/ngày so với hiện tại là 28.9 triệu thùng/ngày. Đó là lý do tại sao họ muốn có bằng chứng về sự phục hồi bền vững của Trung Quốc trong vài tháng tới. Họ cũng sẽ chờ đợi tín hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương đang giảm tốc độ tăng lãi suất, hoặc thậm chí tạm dừng.

Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ dự kiến vào đầu tháng 6. Liệu họ có đủ dữ liệu vào thời điểm đó để tăng sản lượng nếu giá dầu tiếp tục cao hơn? Câu trả lời có thể là không. Hiện tại, các quan chức OPEC muốn đợi ít nhất đến quý III trước khi đưa ra quyết định, nghĩa là các động thái bổ sung dầu sẽ chỉ diễn ra vào cuối năm. Một số quan chức đã loại trừ khả năng OPEC tăng sản lượng vào năm 2023.

Các quan chức của OPEC+ đã dự đoán đúng vào tháng 10. Nhưng những việc diễn ra trong quá khứ không chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai. Các chính sách này có khả năng sẽ không hiệu quả vào năm 2023.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Rủi ro đối với thị trường hàng hoá đang "nóng" hơn bao giờ hết khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

Rủi ro đối với thị trường hàng hoá đang "nóng" hơn bao giờ hết khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

Sau hơn 1,000 ngày chiến sự, thị trường dường như đã quen với khả năng leo thang trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây - từ việc Kyiv sử dụng tên lửa được Mỹ cho phép để tấn công các mục tiêu tại Nga, đến việc Tổng thống Vladimir Putin cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công phi hạt nhân được hỗ trợ bởi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - đang đẩy xung đột lên một cấp độ đáng lo ngại.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ