Kế hoạch chống lạm phát của Trump có thể khiến giá tăng chóng mặt?

Kế hoạch chống lạm phát của Trump có thể khiến giá tăng chóng mặt?

Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

10:01 18/07/2024

Tại Đại hội Đảng Cộng hòa tuần này, hết diễn giả này đến diễn giả khác đổ lỗi lạm phát cao cho chính quyền Biden.

Thống đốc Virginia Glenn Youngkin lên án "tên trộm lạm phát thầm lặng được Joe Biden và Kamala Harris thả ra". Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott nhấn mạnh dưới thời Donald Trump "lạm phát và lãi suất vay thế chấp đều thấp". Còn Thượng nghị sĩ Nam Carolina Tim Scott thì tuyên bố "lạm phát đang bóp nghẹt các gia đình".

"Chấm dứt lạm phát và làm cho nước Mỹ có giá cả phải chăng trở lại", Đảng Cộng hòa tuyên bố trong cương lĩnh tranh cử chính thức.

Điều trớ trêu là, theo quan điểm của nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư, cương lĩnh của Trump - bao gồm cắt giảm thuế, tăng thuế quan và siết chặt nhập cư - sẽ làm gia tăng áp lực giá cả. Khi Fed chuẩn bị bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, việc thay đổi hàng loạt chính sách như vậy có thể gây rủi ro cho kế hoạch giảm lãi suất lâu dài vào năm 2025.

Julia Coronado, người sáng lập MacroPolicy Perspectives LLC và cựu chuyên gia kinh tế của Fed nhận định: "Nhìn bề ngoài, những chính sách được công bố sẽ ít nhất gây ra một đợt lạm phát đáng kể".

Kế hoạch của Trump có nguy cơ khơi dậy lạm phát ở Mỹ

Các nhà đầu tư đã đặt cược vào thị trường TPCP kỳ hạn dài - phản ánh lạm phát kỳ vọng gia tăng - được gọi là "Trump trade".

Chắc chắn, khả năng thực hiện nhiều đề xuất của Trump sẽ phụ thuộc vào thành phần Quốc hội. Hơn nữa, một số ý tưởng chính sách của Trump vẫn còn mơ hồ, có thể thay đổi đáng kể nếu ông đắc cử.

"Chính quyền Trump sẽ làm gì khi đối mặt với những đánh đổi thực sự?" Coronado đặt câu hỏi. "Đó là nguồn gốc của sự bất ổn."

Nhưng nếu Trump thực hiện các đề xuất mà ông đã đưa ra, đây là cách chúng có thể ảnh hưởng đến giá cả:

Cắt giảm thuế

Khi chính phủ chi nhiều hơn thu, về cơ bản là đang tạo ra tiền và đẩy vào nền kinh tế - làm tăng áp lực lên giá cả. Thâm hụt ngân sách ngày càng tăng trong những năm gần đây bị cho là góp phần gây ra lạm phát.

Trump đang hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế, trong điều kiện khác không đổi, sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách. Đảng Cộng hòa cũng cam kết kiềm chế chi tiêu. Nhưng khi Đảng Cộng hòa trong quá khứ kiểm soát cả Nhà Trắng và Quốc hội, không có kế hoạch hạn chế chi tiêu toàn diện nào được ban hành.

Cam kết của Trump là mở rộng các khoản cắt giảm mà ông đã ban hành vào năm 2017 và sẽ hết hạn vào cuối năm 2025, đồng thời loại bỏ hoặc giảm một số khoản thuế khác. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek công bố hôm thứ Ba, Trump nói ông muốn cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 15% từ mức 21% hiện tại.

Đảng Cộng hòa cũng nhắm đến việc bãi bỏ thuế tiền boa. Điều này có thể làm tăng thâm hụt lên tới 250 tỷ USD trong một thập kỷ, theo Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm phi đảng phái.

"Cắt giảm thuế không mang lại lợi ích gì", Jeffrey Sherman, Phó Giám đốc đầu tư tại DoubleLine Capital nhận định. "Kết quả tồi tệ nhất cho thị trường là Đảng Cộng hòa thắng áp đảo" cả Nhà Trắng và Quốc hội, ông nói.

Trump sẽ ''thừa kế'' mức thâm hụt ngân sách lớn hơn trong nhiệm kỳ thứ hai

Tăng thuế nhập khẩu

Trừ khi người bán, nhà nhập khẩu và các nhà bán lẻ giảm biên lợi nhuận để giảm bớt chi phí phát sinh, thuế nhập khẩu cao hơn sẽ làm tăng giá lên đối với tất cả người tiêu dùng cuối cùng. Việc tăng thuế một lần có thể gây ra lạm phát tạm thời, tuy nhiên cam kết của Đảng Cộng hòa về các biện pháp thương mại có đi có lại mở ra khả năng tăng thuế liên tục.

Mức thuế ưu tiên của Trump vẫn chưa rõ ràng. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek, ông không nêu cụ thể nhưng ủng hộ mạnh mẽ việc tăng thuế như một biện pháp chính sách. "Về mặt kinh tế, chúng thật phi thường," ông nói.

Cương lĩnh của Đảng Cộng hòa kêu gọi một mức thuế "cơ sở". Chiến dịch tranh cử của Trump trước đó đã đề xuất ý tưởng về mức thuế phổ thông 10%, cũng như mức thuế 60% đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc, mặc dù Trump từ chối xác nhận những con số cụ thể này trong cuộc phỏng vấn. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, mức thuế như vậy đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến một gia đình thu nhập trung bình phải chi thêm 1,700 USD mỗi năm.

"Đây là một chính sách kiểu lạm phát trì trệ," Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics nhận định. "Đó là lý do tại sao các nhà kinh tế ghét thuế quan. Chúng vừa gây lạm phát vừa kìm hãm tăng trưởng cùng lúc."

Hạn chế nhập cư có thể gây áp lực lên thị trường lao động

Làn sóng nhập cư kỷ lục trong những năm gần đây đã góp phần mở rộng đáng kể lực lượng lao động Mỹ, một động thái mà các nhà kinh tế cho rằng đã kiềm chế áp lực tiền lương. Đảng Cộng hòa không chỉ nhắm tới việc hạn chế nhập cư bất hợp pháp mà còn muốn tiến hành "chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ."

Điều này có thể gây lạm phát, mặc dù cũng có thể giảm bớt áp lực trong các lĩnh vực như nhà ở, nơi nguồn cung không đủ đã đẩy giá lên cao. Zandi cho biết nếu Trump hạn chế nghiêm ngặt nhập cư, điều đó có thể gây xáo trộn trong ngắn hạn.

"Hạn chế nhập cư sẽ làm tăng chi phí và giá cả, thậm chí có thể gây ra tình trạng thiếu hụt trong nông nghiệp, xây dựng, sản xuất, vận tải" và các lĩnh vực khác nơi thị trường lao động đang thiếu hụt, ông nói.

Chính sách USD có thể ảnh hưởng đến lạm phát

Khi USD tăng giá so với các đồng tiền khác - như đã xảy ra trong những năm gần đây do Fed tăng lãi suất - điều này giúp giảm lạm phát bằng cách hạ giá hàng nhập khẩu. Mặt trái là sự sụt giảm của đồng tiền này sẽ làm tăng áp lực giá cả.

Trump nói trong cuộc phỏng vấn rằng "USD đang ở mức cao" so với tiền tệ của Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến các nước này có lợi thế. "Chúng ta đang ở vị thế rất bất lợi," ông nói, nhưng không trực tiếp kêu gọi làm yếu USD. Tuy nhiên, người đồng tranh cử mới của ông, JD Vance, đã công khai kêu gọi việc làm USD yếu hơn.

'"Phá giá'' tất nhiên là một từ đáng sợ, nhưng thực sự nó có nghĩa là hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên rẻ hơn," Vance nói với Politico vào tháng 4.

Chính sách năng lượng

"Lạm phát do năng lượng gây ra," Trump nói trong cuộc phỏng vấn. Ông cho biết kế hoạch của mình là giảm chi phí bằng cách đẩy mạnh khai thác tài nguyên nhiên liệu hóa thạch của Mỹ. Theo ông, điều này sẽ cho phép Fed hạ lãi suất.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Fed lại nhắm vào chỉ số lạm phát cơ bản, loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm. Gần đây, phần lớn lạm phát đến từ lĩnh vực dịch vụ, không phải từ năng lượng.

Tính độc lập của Fed

Trong nhiệm kỳ đầu, Trump thường xuyên cố gắng gây áp lực công khai lên Chủ tịch Fed Jerome Powell để nới lỏng chính sách tiền tệ, thậm chí còn bàn luận về cách loại bỏ ông ấy. Điều này làm dấy lên lo ngại về những mối đe dọa tiềm tàng đối với sự độc lập của Fed trong nhiệm kỳ thứ hai. Bối cảnh rộng hơn: Nghiên cứu cho thấy các quốc gia bảo vệ NHTW khỏi sự can thiệp chính trị có tỷ lệ lạm phát thấp hơn.

Trong cuộc phỏng vấn, Trump nói ông sẽ để Powell tiếp tục nhiệm kỳ Chủ tịch đến năm 2026, "đặc biệt nếu tôi nghĩ ông ấy đang làm đúng."

Coronado cảnh báo: "Can thiệp vào sự độc lập của NHTW giống như đùa với lửa." Bà nhấn mạnh rằng rủi ro này không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ mà còn tác động toàn cầu. "Làm xáo trộn điều này, đặc biệt khi USD là tiền tệ dự trữ của thế giới, sẽ cực kỳ nguy hiểm," bà nói.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Tăng thâm hụt ngân sách: Cả ông Trump và bà Harris đều chung "nước đi" này!
Đặng Thùy Linh

Đặng Thùy Linh

Junior Analyst

Tăng thâm hụt ngân sách: Cả ông Trump và bà Harris đều chung "nước đi" này!

Kamala Harris đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận tổng thống với Trump. Harris nổi bật với tầm nhìn hướng tới tương lai, nhấn mạnh các chủ đề như quyền phá thai, pháp quyền và chính sách đối ngoại liên quan đến chiến tranh ở Ukraine và Gaza. Ngược lại, Trump tập trung vào chỉ trích chính quyền hiện tại mà không đưa ra kế hoạch hay sáng kiến cụ thể.
Cắt giảm 50 bps: Dấu hiệu suy thoái hay bước ngoặt mới của Fed?
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Cắt giảm 50 bps: Dấu hiệu suy thoái hay bước ngoặt mới của Fed?

Sau cuộc họp FOMC, Fed đã bắt đầu "bước ngoặt chính sách" bằng việc cắt giảm lãi suất 50 bps, dự kiến tiếp tục nới lỏng trong năm 2024 - 2026, song thị trường cần thận trọng theo dõi các chỉ báo quan trọng như XRT, DBC, DBA và diễn biến của USD để đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô và xu hướng thị trường tài chính.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ