Khẩu hiệu kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình gây khó hiểu cho các nhà đầu tư
Nguyễn Mai Vinh
Junior Analyst
Chủ tịch Tập Cận Bình chào đón năm mới bằng tuyên bố về sự tiến bộ của Trung Quốc trên con đường theo đuổi “sự phát triển chất lượng cao”. Ý nghĩa của khẩu hiệu này trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đang là một câu hỏi mang tính quyết định đối với giới đầu tư.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhắc tới cụm từ mơ hồ này ít nhất 128 lần trong năm 2023, bao gồm cả trong bài phát biểu hôm 31/12 nêu rõ các mục tiêu của quốc gia trong năm nay. Theo phân tích của Bloomberg về các bài phát biểu trước công chúng của ông Tập, con số này gần gấp đôi số lần đề cập trong năm 2022 và là năm nhắc tới cụm từ này nhiều nhất.
Christopher Beddor, Phó giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Công ty nghiên cứu vĩ mô Gavekal Dragonomics, cho biết: “Thoạt nhìn, khái niệm này có vẻ khá rõ ràng: Các nhà hoạch định chính sách sẽ cho phép tăng trưởng GDP chậm hơn, miễn là đà tăng trưởng bền vững hơn trước đây”.
Khẩu hiệu khó hiểu này lần đầu tiên xuất hiện tại một đại hội lớn của Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2017. Ông Tập sử dụng cụm từ để báo hiệu mục tiêu giữ nền kinh tế mở rộng ở tốc độ lành mạnh khi nước này chuyển đổi khỏi mô hình tăng trưởng “tốc độ cao”.
Cũng như những tham vọng khác như “thịnh vượng chung” hay “mở rộng vốn một cách mất trật tự” đã khiến các nhà đầu tư phải tìm kiếm manh mối, ông không định nghĩa khái niệm này. Tuy nhiên, một số quan chức cho biết điều này giúp các nhà hoạch định chính sách có cơ hội để giải quyết các vấn đề dài hạn hơn. Ví dụ, điều đó có thể giúp đất nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào than đá, bằng cách thúc đẩy năng lượng xanh và các lĩnh vực khác.
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng cụm từ này thường xuyên hơn gần đây có thể gây khó hiểu cho các nhà đầu tư vốn đang mất phương hướng trước tình trạng tăng trưởng chậm lại, đặt ra câu hỏi về quỹ đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Khủng hoảng bất động sản, nhu cầu trong nước suy yếu, thương mại trì trệ và rủi ro nợ địa phương đã gây áp lực lên hoạt động của năm ngoái. Các thách thức nghiêm trọng đến mức một số nhà kinh tế không còn cho rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ.
Điều đó khiến việc giải mã khẩu hiệu này càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là vì ông Tập có thể sẽ cho nó phát huy nhiều hơn vào năm 2024. Trong một hội nghị kinh tế lớn tháng trước, ông gọi “phát triển chất lượng cao” là “sự thật phũ phàng của kỷ nguyên mới”. Quan điểm đã lặp lại ý tưởng của vài thập kỷ trước bởi cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người đã nói “phát triển là sự thật không thể chối cãi”.
Khẩu hiệu của vị cựu chủ tịch đã nêu rõ sự cần thiết của việc Trung Quốc đặt nền kinh tế lên hàng đầu - quyết định mở đường cho kỷ nguyên cải cách và mở cửa đất nước. Ngược lại, định nghĩa về “phát triển chất lượng cao” quá rộng nên khó có thể xác định ý nghĩa của nó đối với chính sách kinh tế.
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng tại Natixis SA, cho biết: “'sự phát triển chất lượng cao' bao hàm những ý tưởng tích cực như tính bền vững và đổi mới, việc phân phối thu nhập hộ gia đình công bằng hơn và phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế tốt hơn.
Các ưu tiên đó tạo ra cái mà bà Garcia Herrero gọi là “giải câu đố” khi hiểu cụm từ này.
Nhiều nhà kinh tế đã giải thích điều này đơn giản có nghĩa là chính phủ sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng GDP chậm hơn, bền vững hơn so với trước đây. Nhưng nếu đúng như vậy thì sẽ có bất đồng trong cách chính phủ nói về các ưu tiên kinh tế của Trung Quốc.
“Đổi mới là thúc đẩy tăng trưởng”, bà Garcia Herrero cho biết, việc phân bổ nguồn lực cũng hiệu quả hơn và nói thêm rằng “sự phát triển chất lượng cao” theo định nghĩa có thể gợi ý tốc độ tăng trưởng mạnh hơn.
Trong thời đại mà các mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc ngày càng được xem xét kỹ càng, sự mơ hồ của cụm từ này chỉ nâng dự báo về việc Bắc Kinh sẵn sàng hạ thấp mục tiêu đó đến mức nào.
Ông Beddor nói: “Đó có thể là một khẩu hiệu chính trị mơ hồ nhằm mang lại sự linh hoạt”. “Nó sẽ mang bất cứ ý nghĩa gì mà các nhà hoạch định chính sách muốn”.
Bloomberg