Không có bất ngờ nào trong báo cáo lạm phát của cả Eurozone và Mỹ, EUR/USD dự kiến kết tuần với mức giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 04/2024
Thành Duy
Junior editor
EUR/USD vẫn chịu áp lực bán dưới 1.1100 khi lạm phát Eurozone giảm đúng như dự kiến. Lạm phát giảm nhẹ tại Đức đã thúc đẩy kỳ vọng về một đợt hạ lãi suất khác của ECB vào tháng 9. Lạm phát PCE lõi của Mỹ trong tháng 7 không đổi so với tháng trước và vẫn thấp hơn dự kiến.
EUR/USD giảm nhẹ và vẫn giao dịch dưới 1.1100 trong phiên Mỹ ngày thứ Sáu. Đồng USD dù đã mở rộng đà phục hồi nhưng mức tăng là không đáng kể. Chỉ số DXY, theo dõi giá trị của đồng bạc xanh so với sáu loại tiền tệ chính, tăng chạm mức cao mới trong tuần là 101.65.
Báo cáo mới đây cho thấy, PCE lõi tháng 7 tăng 2.6% so với cùng kỳ, bằng với tháng trước nhưng thấp hơn dự báo là 2.7%. Trong khi đó, PCE lõi tháng này đúng với dự báo và mức tăng của tháng 6 là 0.2%. Các con số như lời khẳng định rằng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ cuộc họp tháng 9. Tuy nhiên, quy mô của đợt cắt giảm vẫn là dấu hỏi lớn của thị trường. Theo công cụ CME FedWatch, khả năng cắt giảm lãi suất 50 bps vào tháng 9 là 33%, trong khi phần còn đồng thuận với mức 25 bps.
Trước đó, kỳ vọng cắt giảm lãi suất sâu hơn đã giảm nhẹ sau khi Cục phân tích kinh tế Mỹ (BEA) báo cáo rằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong Q2 đạt 3.0% so với cùng kỳ, cao hơn ước tính sơ bộ lần đầu là 2.8%.
Tin vắn
- Báo cáo HICP sơ bộ cho thấy lạm phát toàn phần giảm xuống còn 2.2% từ mức 2.6% vào tháng 7 do giá năng lượng giảm. So với cùng kỳ, HICP lõi - loại trừ các thành phần biến động như thực phẩm, năng lượng, rượu và thuốc lá - tăng 2.8%, thấp hơn so với mức 2.9% trước đó.
- Thị trường giờ đây có vẻ đã tự tin hơn vào việc ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 một lần nữa. ECB đã có đợt cắt giảm đầu tiên vào tháng 6 và vẫn giữ nguyên cho đến nay. Trước đó, kỳ vọng ECB cắt giảm lãi suất vào tháng 9 đã tăng mạnh sau khi dữ liệu được công bố vào thứ Năm cho thấy áp lực lạm phát ở Đức, đã trở lại mức 2% lần đầu tiên trong hơn ba năm. Ngoài ra, nền kinh tế lớn nhất Eurozone này đang phải đối mặt với suy thoái kỹ thuật khi giảm 0.1% trong Q2 năm nay và triển vọng là khá kém sắc. Các nền kinh tế khác của Eurozone, chẳng hạn như Pháp hoặc Tây Ban Nha, cũng đã chứng kiến mức giảm lạm phát đáng kể vào tháng 8.
- "Áp lực lạm phát thuyên giảm, kết hợp với đà tăng trưởng yếu dần đang mang lại một bối cảnh vĩ mô ‘gần như hoàn hảo’ cho một đợt cắt giảm lãi suất khác," Carsten Brzeski - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ING, cho biết trong một ghi chú vào thứ Năm.
- ECB dự kiến sẽ thực hiện thêm một đợt cắt giảm lãi suất vào khoảng Q4 năm nay nhưng chưa rõ thời điểm cụ thể.
Phân tích kỹ thuật
Dưới góc độ kỹ thuật, EUR/USD đã thủng vùng hỗ trợ 1.1100-1.1140. Đây là vùng khá quan trọng có thể giúp phe mua chinh phục các mục tiêu xa hơn. Trước đó, mục tiêu đầu tiên và gần nhất tính từ điểm break-out mô hình kênh tăng đã hoàn thành, tức đỉnh tháng 12/2023 tại 1.1140. Kết hợp với tín hiệu từ chỉ báo RSI, EUR/USD khó có thể tránh một nhịp điều chỉnh giảm sâu hơn nữa.
Dù cơ hội “lật kèo” cho phe mua là vẫn còn nhưng cũng khá mong manh. Chỉ khi phe mua giữ cho cặp tiền duy trì trên mức thấp của ngày thứ Năm là 1.1055 và nhanh chóng lấy lại vùng 1.1100-1.1140, cánh cửa tăng mới hé mở trở lại. Khi đó, mục tiêu tiếp theo sẽ là đỉnh năm 2023 tại 1.1275. Để đi theo kịch bản này, sẽ cần một cú hích đủ lớn và điều đó đã không đến trong cả dữ liệu lạm phát của Eurozone và Mỹ công bố hôm nay. Thậm chí trong trường hợp EUR/USD giảm thêm, hỗ trợ động gần nhất là SMA 20 tại 1.1042 có thể cũng khó cung cấp đủ lực đỡ. Xét về hỗ trợ, vùng 1.0970-1.1100 sẽ đáng tin cậy hơn. Với tình hình hiện tại, xác suất nhịp điều chỉnh tiếp diễn về vùng này là tương đối cao.
EUR/USD đồ thị ngày
FXStreet