Không phải chuỗi cung ứng, lạm phát giá thực phẩm mới là khủng hoảng của năm 2022

Không phải chuỗi cung ứng, lạm phát giá thực phẩm mới là khủng hoảng của năm 2022

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

14:55 23/11/2021

Thách thức thực sự sẽ đến vào năm sau khi khủng hoảng năng lượng biến thành khủng hoảng thực phẩm.

Chúng ta đều đã trở thành các “chuyên gia online” về lạm phát. Và tại sao lại không chứ? Lúc này không ai có thể sai lầm về lạm phát hơn các chuyên gia kinh tế chuyên nghiệp trong năm nay.

Nhưng đã đến lúc câu chuyện lạm phát thoát ra khỏi những con số. Nhận định rằng ta đang trong thời kỳ lạm phát nóng nhất trong nhiều thập kỷ là không thể bàn nữa. Cước phí trong chuỗi cung ứng đang ở đỉnh 17 năm, nhưng điều này đã trở thành vô nghĩa trong việc dự báo sự dai dẳng của lạm phát.

Áp lực nguồn cung thường là một xúc tác quan trọng trong bất kỳ khủng hoảng giá cả nào. Và đúng là phần lớn các vấn đề nguồn cung đều tạm thời, vì cung sẽ tự phản ứng với giá cả cao hơn. Nhưng áp lực nguồn cung giảm lf không đủ để ta biết được liệu lạm phát có thực sự giảm hay không.

Cái ta cần biết được là liệu áp lực này có chuyển sang phía cầu. Với lý do đó, kỳ vọng lạm phát rất quan trọng. Kỳ vọng lạm phát 5 năm tại Mỹ đã vượt 3% lần đầu tiên trong 19 năm. Tại Anh, con số này là 4%, cao nhất kể từ khi thước đo này được công bố 25 năm trước.

Kỳ vọng lạm phát có hai tác động: một là thúc đẩy tiêu dùng, tiếp tục đẩy giá lên cao, hay là giúp người lao động yêu cầu mức lương cao hơn, trực tiếp tăng cả chi phí và nguồn vốn dành cho nhu cầu.

Điều thứ hai cực kỳ quan trọng: CPI tăng khi bình đẳng tăng và người lao động được nhận nhiều tiền hơn. Đây là do những người thu nhập thấp có xu hướng tiêu dùng cao hơn, trong khi những người giàu có hơn thì chỉ đổ tiền vào các khoản đầu tư. Warren Buffet có thêm 1 tỷ USD thì cũng không thay đổi thói quen chi tiêu của ông được, nhưng một người mẹ đơn thân thu nhập thấp có thêm 100 USD lại là một câu chuyện khác.

Lạm phát trở thành một vấn đề thực sự khi cả những người thu nhập thấp bị ảnh hưởng, buộc họ phải thắt chặt chi tiêu và các ngân hàng trung ương hành động.

Và tất cả mọi thứ của năm 2021 đang cùng nhau giáng vào một trong những mặt hàng thiết yếu trong rổ CPI: thực phẩm. Biến đổi khí hậu là xúc tác chính, nhưng áp lực giá đã bị thổi phồng bởi các vấn đề nguồn cung và thâm hụt lao động. Hiện tại, khủng hoảng năng lượng đang nghiêm trọng hóa tình hình thông qua chi phí.

Nhưng vấn đề phân bón đắt hơn và nhà kính ngừng hoạt động mới là điều đáng quan ngại của năm 2022. Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã tăng hơn 30% trong năm nay, và vẫn chưa hề có dấu hiệu chậm lại.

Cà phê chính là một ví dụ cho ảnh hưởng lên nông sản, và sẽ cần nhiều năm để các ảnh hưởng này được khắc phục. Cà phê Arabica đã tăng gấp đôi giá từ đầu năm.

Lúa mì cũng đang tăng phi mã khi khủng hoảng phía nguồn cung ngày càng chồng chất. Giá lúa mì đã lập đỉnh lịch sử mới tại Paris và Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế cảnh báo rằng trữ lượng lúa mì tại các quốc gia xuất khẩu lớn có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm. Đây là một điều đáng quan ngại, đặc biệt khi căng thẳng vẫn đang tiếp diễn tại Nga và Ucraina, hai trong số quốc gia có sản lượng lúa mì cao nhất.

Chỉ số hàng hóa nông nghiệp Bloomberg cũng đã tăng 80% từ đáy của năm ngoái. Lần gần đây nhất chỉ số tăng mạnh như vậy là giai đoạn năm 2010-11 do Mùa xuân Ả-rập, một làn sóng cách mạng nổ ra trên khắp các quốc gia Ả-rập.

Thước đo của chỉ số này là đồng đô la. Trước đó, đô la đang khá yếu, nhưng bây giờ lại là một trong những đồng tiền mạnh nhất, và đồng nghĩa với việc ảnh hưởng thực sự sẽ còn mạnh hơn tại các quốc gia khác trên thế giới.

Người tiêu dùng bị bó buộc sẽ không tốt cho cả ổn định chính trị và kinh tế, và đương nhiên sẽ có ảnh hưởng xấu lên chứng khoán. Ít có điều gì khiến người lao động đòi lương cao hơn so với việc không có tiền nuôi sống gia đình.

Cuộc khủng hoảng thực phẩm này sẽ khiến lạm phát tiếp tục dai dẳng trong năm 2022 và tàn phá không chỉ thị trường, mà còn cả người dân.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

"Bền vững, minh bạch" hay "Tập trung quyền lực" - nước Mỹ sẽ đi trên con đường nào trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump?
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

"Bền vững, minh bạch" hay "Tập trung quyền lực" - nước Mỹ sẽ đi trên con đường nào trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump?

Cuộc bầu cử Mỹ không chỉ là cuộc đua giữa hai đảng mà còn là cuộc đối đầu giữa các giá trị của dân chủ và chủ nghĩa tư bản. Dưới sự lãnh đạo của Trump, liệu nền kinh tế sẽ hướng tới sự bền vững và minh bạch, hay tập trung quyền lực và lợi ích cá nhân?
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ