Kinh tế Mỹ "bứt phá" mạnh mẽ, Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu
Ngọc Lan
Junior Editor
Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay dựa trên đà mở rộng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo biến đổi khí hậu, chiến tranh và nợ cao sẽ gây tổn hại cho các quốc gia nghèo hơn - nơi sinh sống của phần lớn dân số thế giới.
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu được công bố hôm thứ Ba, Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng từ 2.4% (dự đoán vào tháng 1) lên 2.6%. Ngân hàng Thế giới duy trì dự báo cho năm 2025 ở mức 2.7%.
Phần lớn sự điều chỉnh tích cực này đến từ việc Ngân hàng Thế giới nâng mức tăng trưởng dự kiến của Mỹ lên 2.5%, so với ước tính trước đó là 1.6%. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của các quốc gia ở vùng cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi lại bị điều chỉnh giảm.
GDP toàn cầu dự kiến tăng trưởng cao hơn dự báo đầu năm
"Tin tốt là nền kinh tế toàn cầu đang dần ổn định và diễn ra nhanh hơn dự kiến hồi tháng Giêng. Điều này phần lớn nhờ vào sức mạnh bất ngờ của nền kinh tế Mỹ", theo ông Indermit Gill - nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, ông Gill cũng nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng hiện tại vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch. "Đối với các nền kinh tế nhỏ và nghèo nhất, tình hình ổn định và tăng trưởng đều không mấy khả quan", ông nói thêm.
Tỷ lệ lạm phát toàn cầu dự kiến giảm xuống 3.5% trong năm nay và 2.9% vào năm 2025, nhưng tốc độ giảm chậm hơn so với dự báo hồi tháng Giêng. Điều này cho thấy nhiều ngân hàng trung ương có thể vẫn thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất. Lãi suất có khả năng sẽ duy trì ở mức cao so với tiêu chuẩn trước đại dịch, trung bình khoảng 4% trong giai đoạn 2025 - 2026.
Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2024
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ông Gill cũng chỉ ra những khó khăn mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt. Đây là những thách thức liên quan đến việc thu hút đầu tư tư nhân, giảm nợ công và cải thiện giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng cơ bản. Ngoài ra, các quốc gia còn phải đối phó với xung đột và biến đổi khí hậu. Ông Gill nhấn mạnh rằng 75 quốc gia đủ điều kiện vay vốn không lãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới sẽ cần sự hỗ trợ từ quốc tế.
Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh đến những rủi ro mà các quốc gia phải đối mặt do thương mại toàn cầu suy yếu. Mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại sẽ tăng nhẹ trong năm nay so với mức trì trệ của năm ngoái, nhưng tổ chức này dự báo năm 2024 sẽ đánh dấu nửa thập kỷ tồi tệ nhất đối với tăng trưởng thương mại kể từ những năm 1990.
"Triển vọng thương mại vẫn ảm đạm so với các thập kỷ gần đây, điều này một phần phản ánh sự gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại và tình trạng bất ổn về chính sách thương mại trên toàn thế giới", theo Ngân hàng Thế giới nhận định.
Bloomberg