Kỳ vọng gì vào cuộc họp chính sách của ECB ngày 22/7
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Đây là cuộc họp đầu tiên từ sau đợt đánh giá chiến lược của ECB.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) gần như chắc chắn sẽ cam kết duy trì các biện pháp hỗ trợ kinh tế lâu hơn để đảm bảo mục tiêu lạm phát và không đưa ra thêm biện pháp mới.
Hội đồng Điều hành ECB hôm nay họp chính sách, lần họp đầu tiên kể từ khi ECB đưa ra điều chỉnh với mục tiêu lạm phát hồi đầu năm, sau giai đoạn đánh giá chiến lược dài 18 tháng về vai trò của cơ quan này trong nhiều lĩnh vực, từ lạm phát đến biến đổi khí hậu.
ECB cho rằng các giai đoạn lạm phát siêu thấp như hiện tại đòi hỏi sự hỗ trợ “đặc biệt mạnh hoặc lâu dài” – công thức có vẻ khó để áp dụng vào chính sách thực tế.
25 thành viên trong Hội đồng Điều hành nhất trí đôi khi chấp nhận lạm phát vượt một chút so với mục tiêu 2% nhằm tránh bị rơi vào tình trạng lãi suất thấp, lạm phát thấp. Tuy nhiên, họ từng bất đồng hồi đầu tháng 7 về cách cân đo chính sách để phù hợp với cam kết đó.
Sự bất đồng này có thể tái xuất hiện trong cuộc họp hôm nay. Những nhà lập chính sách bảo thủ như thống đốc ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) Jens Weidmann sẽ không nhượng bộ. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng sẽ phải thỏa hiệp hoặc từ bỏ kỳ vọng về sự đồng thuận.
Định hướng là quan trọng bởi đây là tín hiệu phản ánh cách tiếp cậ của ECB với các quyết định cơ bản cần phải đưa ra trong những cuộc họp sắp tới, bao gồm cách siết gói hỗ trợ đại dịch 1.850 tỷ euro hay có nên tăng biện pháp hỗ trợ truyền thống.
Nội dung cốt lỗi của cuộc họp hôm nay là ECB có nên đẩy lạm phát tạm thời vượt mục tiêu 2% sau một thập kỷ không thể đạt được – hành động có rủi ro về chính trị với Đức, quốc gia thận trọng về lạm phát và đang có hoài nghi về nỗ lực kích thích của ECB.
Isabel Schnabel, thành viên hội đồng điều hành ECB, phát tín hiệu thỏa hiệp, cho rằng tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thực tế cần phải tăng trước khi ECB thắt chặt chính sách và lạm phát tăng vọt là tín hiệu của sự kiên nhẫn hơn là một mục tiêu.
Định hướng mới sẽ thiết lập nền tảng cho hàng loạt vấn đề, trước hết là tương lai Chương trình Mua khẩn cấp Đại dịch (PEPP), có thể đến sớm nhất vào tháng 9. Phe bảo thủ cho rằng tình trạng khẩn cấp không còn nghiêm trọng nên ECB cần chuyển dần về biện pháp truyền thống hơn, tập trung vào đưa lạm phát đạt mục tiêu.
“Chúng tôi hoài nghi về khả năng đạt thỏa hiệp giữa phe nới lỏng và thắt chặt”, chiến lược gia Frederik Ducrozet của Pictet nhận định. “Một kịch bản là PEPP sẽ giảm dần và kết thúc vào tháng 3/2022 còn Chương trình Mua Tài sản (APP) được mở rộng đến cuối năm 2021 để bù đắp nguy cơ suy giảm dai dẳng”.
Một kịch bản thỏa hiệp nữa là duy trì một phần, không phải toàn bộ tính linh hoạt của việc mua trái phiếu khẩn cấp.
Theo PEPP, ECB có thể mua trái phiếu bất cứ khi nào cho là cần thiết, không cần đưa ra hạn ngạch trước. Với APP, biện pháp đã có từ lâu, ECB cần mua theo tỷ lệ tương ứng với quy mô 19 nền kinh tế trong eurozone với khối lượng ấn định trước, không bao gồm Hy Lạp bởi xếp hạng tín dụng nước này quá thấp.
Kinh tế gia Luigi Speranza của BNP Paribas kỳ vọng một phần sự linh hoạt chính sách sẽ được duy trì cả khi đại dịch kết thúc.
ECB dự kiến công bố quyết sách vào 11h45 GMT (18h45 giờ Hà Nội), tiếp đó là cuộc họp báo của bà Lagarde lúc 12h30 GMT (19h30 giờ Hà Nội).
Link gốc tại đây.
NDH tổng hợp theo Reuters, FT