Lãi suất MBS tăng vọt bất chấp Fed cắt lãi suất điều hành: Bóng ma nợ dưới chuẩn 2008 quay lại?
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Thêm một bóng đen che phủ lên thị trường vốn đã u ám. Bất chấp việc cắt giảm lãi suất rất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang gần đây, lãi suất vay thế chấp của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng, làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả nỗ lực của ngân hàng trung ương nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ khi coronavirus lây lan.
Thiệt hại cho người tiêu dùng đang tăng lên do sự tắc nghẽn trong thị trường trị giá 7.5 nghìn tỷ đô la các chứng khoán được thế chấp (MBS), nơi hầu hết các khoản vay mua nhà ở Mỹ được đóng gói vào các chứng khoán được đảm bảo bởi Fannie Mae và Freddie Mac, các cơ quan do chính phủ kiểm soát.
Khi Fed đã hạ lãi suất trong những tuần gần đây, người tiêu dùng đã đổ xô đi vay thế chấp tái cấp vốn (aka đảo nợ xuống lãi suất thấp hơn), thị trường tràn ngập MBS chào bán. Tuy nhiên, khi coronavirus đã lan rộng, các ngân hàng và nhà môi giới đóng vai trò trung gian trên thị trường đã phải vật lộn để tìm kiếm người mua. Họ cũng không có hứng thú để mua thêm nhiều tài sản hơn vào bảng cân đối kế toán của chính họ. Không ai ưa thích rủi ro vào thời điểm này.
Một nhà chiến lược tín dụng ngân hàng cho biết, thanh khoản của trên thị trường chứng khoán thế chấp, thường là thị trường thanh khoản cao thứ hai trên thế giới chỉ sau Trái phiếu Kho bạc, đang ở mức báo động ngang bằng với những gì đã xảy ra trong cuộc đại khủng hoảng tài chính. Các thị trường đang nói với Fed: nếu Fed không can thiệp, thị trường sẽ không còn hoạt động nữa.
Người tiêu dùng Mỹ đang cảm thấy tác động. Lãi suất trung bình cho khoản thế chấp có lãi suất cố định 30 năm tăng vọt lên 4.12% vào thứ Sáu, tăng từ mức 3.55% vào đầu tháng và cao nhất kể từ tháng 6 năm 2019.
Những diễn biến này gây thất vọng cho Fed vì điều đó có nghĩa là việc giảm lãi suất chính sách không có tác dụng khiến lãi suất thế chấp thấp hơn. Nó cũng đặt ra câu hỏi về niềm tin về việc lãi suất bằng không liệu có tác động kích thích tiêu dùng hay không (ví dụ như việc người Mỹ tận dụng lãi suất thế chấp thấp hơn để mua nhà hoặc tạo thu nhập bằng cách tái cấp vốn cho các khoản vay hiện có).