Lãi suất Úc "đóng băng" tại đỉnh 13 năm giữa thời khắc bầu cử Mỹ
Quỳnh Chi
Junior Editor
Thị trường ghi nhận đà tăng của tỷ giá nội tệ và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm. Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) nhận định cần thêm thời gian để chỉ số CPI ổn định trong khung mục tiêu.
Trong phiên họp định kỳ hôm thứ Ba, RBA quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4.35% - ngưỡng cao nhất trong 13 năm qua. Quyết định này đánh dấu một năm RBA duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát áp lực lạm phát dai dẳng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn, đặc biệt là từ cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ.
Trong phiên họp định kỳ hôm thứ Ba, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4.35% - ngưỡng cao nhất trong 13 năm qua. Quyết định này đánh dấu một năm RBA duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát áp lực lạm phát dai dẳng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn. Hội đồng RBA đặc biệt lưu ý đến "tính bất định cao" trong triển vọng kinh tế toàn cầu và khẳng định "mọi phương án chính sách đều được cân nhắc".
"Lạm phát cơ bản vẫn còn đáng quan ngại," theo tuyên bố của Hội đồng Chính sách Tiền tệ. "Cần thêm thời gian để lạm phát ổn định trong dải mục tiêu và hướng về mức trung bình. Điều này đòi hỏi duy trì cảnh giác cao độ trước rủi ro lạm phát tăng, và Hội đồng sẽ cân nhắc mọi phương án điều hành."
AUD phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư về việc các nhà hoạch định chính sách sẽ duy trì lập trường hiện tại.
Lạm phát Úc đã ở vùng mục tiêu
Thống đốc Michele Bullock liên tục khẳng định RBA chưa đến thời điểm cắt giảm lãi suất. Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba, bà nhấn mạnh Hội đồng cần thêm minh chứng về "sự ổn định bền vững của lạm phát trong khung mục tiêu."
"Chúng tôi đã đạt được những tiến triển đáng kể, tuy nhiên như diễn biến trong năm qua cho thấy, giai đoạn cuối của hành trình kiểm soát lạm phát là vô cùng thách thức," bà Bullock chia sẻ.
Mặc dù CPI lõi của Úc đã hạ nhiệt từ đỉnh năm 2022, mức 3.5% hiện tại vẫn được đánh giá là cao, trong khi áp lực giá cả dịch vụ tiếp tục gia tăng. Dự báo mới nhất của RBA cho thấy lạm phát cơ bản sẽ về dải mục tiêu 2-3% vào giai đoạn giữa đén cuối năm 2025, sớm hơn so với dự báo hồi tháng Tám.
"Chúng tôi sẵn sàng điều chỉnh chính sách khi số liệu thị trường cho thấy cần thiết," Thống đốc nhấn mạnh. "Chẳng hạn, nếu mức tiêu dùng suy giảm mạnh hơn dự kiến và nhu cầu từ khu vực tư nhân chậm lại đáng kể, đây sẽ là tín hiệu đáng để xem xét điều chỉnh."
Trên thị trường tài chính, các nhà giao dịch đã điều chỉnh dự báo thời điểm nới lỏng từ tháng 2 sang tháng 5/2025.
Charu Chanana, Trưởng bộ phận Chiến lược Đầu tư tại Saxo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhận định: "So với các ngân hàng trung ương khác, RBA vẫn duy trì lập trường thận trọng khi tránh đưa ra tín hiệu rõ ràng về khả năng cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, lập trường này có vẻ chưa tác động đáng kể đến thị trường, đặc biệt trong bối cảnh giới đầu tư đang tập trung vào cuộc bầu cử Mỹ với kết quả khó dự đoán, cũng như chờ đợi các biện pháp kích thích kinh tế mới từ Trung Quốc."
Thống đốc Bullock thừa nhận các yếu tố này đã ảnh hưởng tới quyết sách về lãi suất. "Chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro địa chính trị và những kịch bản có thể xảy ra từ các diễn biến khác nhau," bà chia sẻ với báo giới. "Cuộc bầu cử Mỹ là một trong những yếu tố then chốt."
RBA khẳng định chính sách tiền tệ của họ vẫn "ít thắt chặt hơn" so với các đồng cấp quốc tế, ngay cả sau làn sóng cắt giảm lãi suất tại nhiều nước. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cũng đang họp trong tuần này - cùng với Ngân hàng Dự trữ New Zealand và các ngân hàng trung ương lớn khác đã bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất nhằm duy trì đà tăng trưởng hoặc kích thích kinh tế.
Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của Donald Trump với chủ trương bảo hộ mậu dịch, bao gồm đe dọa áp thuế nặng lên hàng hóa Trung Quốc, có thể gây tác động lan tỏa tới Úc - quốc gia có Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu.
Khi được hỏi về tác động của cuộc bầu cử Mỹ, Thống đốc Bullock thể hiện thái độ thận trọng. Bà cho rằng hiện còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng nên chưa thể đưa ra những nhận định chính xác về ảnh hưởng đối với nền kinh tế Úc.
Thị trường lao động Úc vượt trội so với các nền kinh tế tương đồng
Kinh tế Úc đang cho thấy dấu hiệu giảm tốc trong năm qua, chủ yếu do tác động từ việc RBA liên tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, điểm sáng đáng chú ý là thị trường lao động vẫn duy trì sức khỏe tốt, với chỉ 4,1% người trong độ tuổi lao động thất nghiệp - một con số thấp chưa từng thấy. Thành tích này khiến bà Bullock và ban lãnh đạo RBA tin tưởng họ có thể giúp nền kinh tế "hạ cánh mềm".
Dù thị trường việc làm tốt đang giúp duy trì sức mua của người dân, các chuyên gia cảnh báo một vấn đề đáng lo ngại: trong khi RBA đang cố kiềm chế chi tiêu qua việc tăng lãi suất, thì chính phủ lại đang tăng cường chi tiêu, khiến việc kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn hơn.
Su-Lin Ong từ Royal Bank of Canada chỉ ra rằng mức chi tiêu của chính phủ Úc hiện nay cao bất thường. Theo bà, với tình hình này, RBA có thể chỉ giảm lãi suất một cách từ từ và vừa phải trong năm 2025.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch dự báo ngân sách chính phủ sẽ chuyển sang thâm hụt trong năm tài khóa 2025, phản ánh tác động từ các chính sách cắt giảm thuế, hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho người dân và sự sụt giảm giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Fitch nhận định chính sách tài khóa của Úc đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Điều này được phản ánh trong báo cáo mới nhất của RBA, khi họ nâng dự báo về chi tiêu công trong giai đoạn từ giữa 2025 đến cuối 2026.
Tuy nhiên, chính phủ không đồng tình với các ý kiến cho rằng chính sách chi tiêu của họ đang góp phần đẩy giá cả tăng cao.
Bloomberg