Lạm dụng quyền lực: Big Tech cần phải trả giá cho sự "hung hăng" của mình
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Đầu tháng này, ủy viên của EU Thierry Breton đã viết một lá thư cho Elon Musk, nhắc nhở CEO của X về nghĩa vụ kiểm duyệt nội dung trước cuộc thảo luận trực tuyến với Donald Trump. Musk đã trả lời bằng một meme có chứa từ "F", một phản ứng vừa trẻ con vừa thể hiện sự kiêu ngạo của Musk.
Các giám đốc điều hành công ty công nghệ đang sử dụng ngày càng nhiều lời đe dọa đối với các quan chức và chính phủ khi các đề xuất hợp pháp không phù hợp với mô hình kinh doanh của họ. Các nhà lãnh đạo chính trị nên phản ứng mạnh mẽ hơn trước những lời đe dọa như từ chối đầu tư hoặc rút khỏi thị trường. Điều này liên quan trực tiếp đến sự độc lập và quyền lực của chính họ.
Những động thái tạo áp lực này có mức độ tăng trưởng và quy mô khác nhau. Hàng ngàn hệ thống internet di động Starlink của Musk đang có mặt tại Ukraine, nhiều trong số đó được quân đội sử dụng. Năm 2022, Musk đe dọa ngừng chi trả cho các thiết bị mà ông đã quyên tặng sau một cuộc cãi vã trực tuyến với một nhà ngoại giao Ukraine. Sau đó, Musk tuyên bố ông đã thay đổi quyết định.
Meta và Google cũng đã gây áp lực lên chính phủ Úc về một luật truyền thông khi yêu cầu họ phải trả tiền cho nội dung tin tức. Google đe dọa sẽ cắt công cụ tìm kiếm của mình, nhưng sau đó đã quyết định ký hợp đồng với các công ty truyền thông. Meta đã đóng cửa dịch vụ tin tức của mình. Năm ngoái, Sam Altman nói rằng những nỗ lực của EU trong việc quản lý trí tuệ nhân tạo có thể khiến OpenAI ngừng hoạt động tại châu Âu. Tuy nhiên, các nhà quản lý EU không dao động và OpenAI đã ở lại, cam kết tuân thủ luật pháp.
Các công ty công nghệ lớn có thể sử dụng lượng người dùng khổng lồ của mình để gây áp lực. Một công ty nhỏ sẽ có ít khả năng tạo ra áp lực hơn. Những lời đe dọa này không giống với hành vi vận động hành lang thông thường. Chúng có thể gây tác động thực sự đến lợi ích công cộng. Việc loại bỏ quyền truy cập vào các nguồn tin tức sẽ làm cho công chúng thiếu thông tin quan trọng, và việc cắt đứt kết nối internet ở khu vực chiến sự có thể khiến nhiều người gặp nguy hiểm.
Tại Mỹ, Kamala Harris vừa được đề cử làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, ngay lập tức đã nhận được những yêu cầu từ các nhà tài trợ giàu có trong giới công nghệ. Một số tỷ phú ở Thung lũng Silicon hy vọng Harris sẽ thay thế Lina Khan, chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC). FTC chịu trách nhiệm về các quy định chống độc quyền và đã tham gia vào các cuộc chiến "để đời" với những gã khổng lồ công nghệ. Một số giám đốc điều hành khác dường như đang chờ xem liệu Harris có thúc đẩy chính sách của họ hay không trước khi ủng hộ bà.
Một số người trong ngành công nghệ cho rằng nên thể hiện sức mạnh một cách công khai thay vì ẩn danh. Tuy nhiên, dù những lời đe dọa được đưa ra bí mật hay công khai thì vẫn là sai trái. Các nhà lãnh đạo Dân chủ và mọi công dân nên phản đối những hành động này, bất kể người gửi thông điệp là ai, hay bất kể vấn đề là gì.
Khi các cơ quan quản lý của Anh từ chối đề xuất sáp nhập của Microsoft với gã khổng lồ trò chơi điện tử Activision, Brad Smith, chủ tịch của Microsoft, đã "khịa" London rằng: "Brussels là nơi mà người ta có thể ngồi xuống và thực sự trò chuyện với các cơ quan quản lý, những người phải chịu trách nhiệm trước các nhà lãnh đạo được bầu chọn." Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng những "cuộc trò chuyện" này không diễn ra với sự đe dọa.
Việc các công ty công nghệ sử dụng các "chiêu trò doạ nạt" là một dấu hiệu khác cho thấy sức mạnh to lớn của họ. Một số lãnh đạo doanh nghiệp đã trở nên quyền lực đến mức họ tin rằng mình có thể bẻ cong các quy trình dân chủ – hoặc thậm chí tránh né chúng hoàn toàn. Thay vì nhượng bộ, như các nhà lãnh đạo chính trị thường làm, các công ty nên trả giá cho sự hung hăng của mình và có thể sẽ mất hợp đồng hoặc các cơ hội "béo bở" khác từ các chính phủ (vẫn là những người chi tiêu lớn nhất cho CNTT).
Harris có cơ hội từ chối dứt khoát sự kiêu căng của Big Tech và Big VC, và tận dụng điều đó làm lợi thế cho chiến dịch của mình. Điều này sẽ khiến bà khác biệt so với đối thủ của mình. Donald Trump muốn tận dụng thời cơ này để tranh thủ "lấy lòng" Thung lũng Silicon. Ứng cử viên phó tổng thống của ông, JD Vance, có mối quan hệ thân thiết với Peter Thiel và nhận được sự ủng hộ từ các nhà môi giới quyền lực trong giới công nghệ.
Đầu năm nay, Trump đã hoàn toàn thay đổi quan điểm về lệnh cấm TikTok tại Mỹ sau khi gặp Jeff Yass, nhà đầu tư TikTok và nhà tài trợ chính trị, mặc dù Trump nói rằng ông không thảo luận về công ty với Yass.
Harris nên vạch ra ranh giới và bảo vệ quyền lực dân chủ trong việc quản lý lĩnh vực công nghệ. Phản ứng của bà đối với các nhà tài trợ chiến dịch sẽ định hình chính sách công nghệ trong nhiệm kỳ tổng thống của bà sau này. Bà cần làm rõ ai mới là người điều hành thực sự tại thời điểm hiện tại, chứ không phải là sau tháng 11.
Dù bằng meme trẻ con hay qua những lời giao tiếp có vẻ tôn trọng, qua internet hay trong một cuộc họp kín, những lời đe dọa từ các giám đốc quyền lực không nên được chấp nhận. Những kẻ bắt nạt không nên được phép chiến thắng.
Financial Times