Lạm phát Anh cao nhất 30 năm
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Lạm phát tháng trước của Anh tăng vọt do giá năng lượng đi lên và nhu cầu hồi sinh trong lúc chuỗi cung ứng vẫn căng thẳng.
Lạm phát tháng 12/2021 của Anh tăng 5,4% so với cùng kỳ 2020. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/1992. Số liệu này cũng cao hơn dự báo trước đó của các nhà kinh tế theo khảo sát của Reuters là 5,2%.
Chi phí sinh hoạt tăng cao đang làm tăng kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ nâng lãi suất một lần nữa. Vào tháng 12, BOE trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất thời đại dịch, với 15 điểm cơ bản lên 0,25%. Ngày 3/2, Ủy ban Chính sách Tiền tệ Anh (MPC) sẽ có cuộc họp để cân nhắc về khả năng tiếp tục tăng lãi.
BOE cũng đang đối diện tình trạng thị trường lao động thiếu trầm trọng. Số vị trí đang tuyển dụng cao kỷ lục, còn việc làm thì vẫn dưới mức trước đại dịch. Paul Craig, Giám đốc đầu tư tại Quilter Investors, cho rằng MPC sẽ đối mặt với sự đánh đổi khó khăn trong cuộc họp tháng sau.
Theo đó, họ phải đảm bảo ổn định tài chính hoặc giúp các hộ gia đình đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. "Không chỉ chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, chi phí đi làm cũng vậy và việc tăng lương có thể không đủ để khiến chi phí trở về mức bình thường", ông nói.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh hôm 18/1 cũng công bố số liệu cho thấy mức tăng lương tháng 12 là 3,8% so với cùng kỳ 2020. Điều này có nghĩa trên thực tế, người lao động đang bị sụt giảm lương.
Ambrose Crofton, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cho rằng lạm phát tăng sẽ khiến BOE khó khăn hơn với lập trường chính sách hiện tại. "Giá cả đang được thúc đẩy bởi các yếu tố phải tiết chế kịp thời, bao gồm chi phí năng lượng và các vấn đề về chuỗi cung ứng", ông nói. Chuyên gia này dự báo trong thời gian tới, người tiêu dùng vẫn sẽ chật vật vì giá cả có thể còn tăng nữa trước khi hạ nhiệt.
Link gốc tại đây.
Theo VnExpress