Lạm phát lương thực tăng vọt gây áp lực khổng lồ lên thị trường trái phiếu Philippines
Trần Minh Đức
Junior Analyst
Giá gạo cao nhất trong 15 năm đang làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát ở Philippines và gây ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu trong nước, vốn đã hụt hơi so với các thị trường trong khu vực.
Các nhà đầu tư đã rút 13 triệu USD khỏi các quỹ ETF trái phiếu Philippines trong 4 tuần qua, sau khi đầu tư gần 9 triệu USD một tháng trước đó. Đây có thể do lạm phát trong tháng 8 tăng cao do lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã đẩy chi phí mua hàng của Philippines tăng mạnh.
Chỉ số trái phiếu Philippines của Bloomberg giảm 2.3% trong quý này, yếu nhất Đông Nam Á. Trái phiếu đang gặp áp lực khi lạm phát gạo trong nước tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 5 năm vào tháng trước.
Giá gạo châu Á đang ở gần cao nhất kể từ năm 2008, làm tăng nguy cơ Ngân hàng Trung ương Philipines (BSP) tiếp tục thắt chặt chính sách thay vì giữ nguyên lãi suất như chính sách trong tháng 3.
Michael Ricafort, nhà kinh tế trưởng tại Rizal Commercial Banking Corp., cho biết: “Giá gạo địa phương cao hơn, cũng như giá dầu toàn cầu cao hơn và thiệt hại do bão gây ra cho nông nghiệp sẽ là những yếu tố chính dẫn đến xu hướng lạm phát trong những tháng tới. Thị trường trái phiếu sẽ tập trung vào chính sách quốc gia và định hướng lãi suất của Fed.”
Chỉ số chứng khoán Philippines đã giảm 4.9% trong 3 tháng tính đến tháng 9 trong bối cảnh lo ngại về chính sách diều hâu của ngân hàng trung ương. Đồng peso của Philippines hiện là đồng tiền yếu nhất châu Á trong quý này, giảm hơn 2.7% so với USD.
BSP cho biết tuần trước họ đã chuẩn bị tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nếu cần, để kiểm soát lạm phát. Nhà kinh tế Tamara Henderson cho biết rằng quyết định lãi suất tiếp theo của ngân hàng trung ương sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 9. Bloomberg Economics dự báo BSP có khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp đó.
Trong khi các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi khác tại châu Á dự kiến sẽ không thay đổi lập trường chính sách của họ khi giá lương thực tăng cao, “một ngân hàng trung ương cần theo dõi là BSP đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng hành động nếu cần thiết,” theo Sanjay Mathur, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ.
Philippines là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước tình trạng giá gạo tăng ở Đông Nam Á vì mặt hàng này chiếm 8.9% rổ CPI của quốc gia, theo ngân hàng OCBC.
Bloomberg