Lạm phát Mỹ cao nhất trong 40 năm, thi trường hàng hóa phủ sắc đỏ
Thị trường hàng hóa trong phiên ngày hôm qua biến động trước các số liệu về lạm phát của Mỹ.
Phần lớn các hợp đồng tương lai giao dịch trên các sàn hàng hóa đều gặp phải áp lực bán mạnh hay nói cách khác là phản ứng tiêu cực đối với số liệu CPI. Nhóm nông sản trong đó có ngô và đậu tương mặc dù đã tăng rất mạnh trước đó nhưng áp lực từ thị trường chung đã kích hoạt phe bán hành động mạnh tay hơn. Giá dầu thô được một số hỗ trợ về mặt cơ bản do báo cáo từ OPEC cho thấy 13 thành viên của nhóm này có mức sản lượng tăng thêm trong tháng 1 vẫn đang cách hạn ngạch cam kết trong khối OPEC+ rất xa. Giá đường cũng chìm trong sắc đỏ khi vụ mùa tới kỳ vọng nguồn cung sẽ dồi dào hơn.
Tin tức chung
Việc cho vay ngân hàng mới ở Trung Quốc trong tháng Giêng đã tăng hơn gấp ba lần so với tháng trước, đạt mức cao kỷ lục, do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Các ngân hàng Trung Quốc đã mở rộng khoản vay 3.98 nghìn tỷ nhân dân tệ (626 tỷ USD) trong tháng 1, tăng từ 1.13 nghìn tỷ nhân dân tệ vào tháng 12. Dữ liệu của PBOC cho thấy dòng cung tiền M2 trong tháng 1 đã tăng 9.8% so với một năm trước đó. (M2 bao gồm lượng tiền mặt, tiền gửi séc và tiền dễ chuyển đổi kỳ hạn gần)
Lạm phát tiêu dùng của Mỹ, được đo bằng CPI, đã tăng tốc lên mức 7.5% hàng năm vào tháng Giêng, tăng lên mức cao mới trong bốn thập kỷ, Bộ Lao động Mỹ cho biết hôm thứ Năm. Giá ô tô, đồ nội thất và thiết bị gia dụng, cũng như các hàng hóa lâu bền khác, tiếp tục thúc đẩy phần lớn mức lạm phát tăng cao. Ngoài ra, giai đoạn mùa hè sắp đến cũng là lúc các hợp đồng thuê nhà mới ở Mỹ được ký lại và cũng sẽ tiếp tục tạo sức ép lên mức lạm phát. Việc lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên chi phí đời sống của người tiêu dùng Mỹ và sẽ tạo áp lực thúc đẩy Fed gia tăng lãi suất của để bình ổn thị trường.
Nga sẽ phát đi các cảnh báo về việc diễn tập hải quân bắn đạn thật trên khu vực Biển Đen và Biển Azov. Các cảnh báo sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 13/02 đến 19/02. Người phát Ngôn bộ Ngoại giao Ukraine cho biết họ phản đối sâu sắc cuộc tập trận này. Việc tập trận với quy mô chưa từng có có thể làm gián đoạn hàng hải quốc tế ở cả hai khu vực biển đó và tác động đến các cảng tại Ukraine.
Lịch sự kiện
Phân tích kỹ thuật
Nhóm năng lượng
Sản lượng dầu thô của khối OPEC chỉ tăng 64,000 thùng/ngày trong tháng 1 năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức phân bổ hạn ngạch của khối này theo thỏa thuận của OPEC+ là 254,000 thùng mỗi ngày. Trong số 13 quốc gia khối OPEC thì quốc gia tăng sản lượng lớn nhất là Nigeria, Ả-Rập Xê Út và các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Trong khi đó quốc gia có sản lượng lớn thứ 2 khối OPEC là Iraq khi nhận sự sụt giảm, theo sau đó là Venezuela và Libya.
Đánh giá: Tích cực
Đường
Theo ước tính từ JOB Economia e Planejamento, hoạt động ép mía ở miền Trung Nam Brazil trong vụ thu hoạch 2022/23 có thể đạt tới 561.8 triệu tấn, tăng từ 5% đến 6% so với mức 530 triệu tấn trước đó. Trong niên vụ hiện tại 2021/22 sẽ kết thúc vào tháng 3 năm nay ghi nhận sản lượng đường dự kiến có thể đạt 32.5 triệu tấn. Trong khi đó, các số liệu xuất khẩu của Brazil hàng tuần ghi nhận tích cực. Theo cơ quan hàng hải Williams, lịch trình các chuyến hàng đường thông qua các cảng ghi nhận đăng ký đạt 1.3 triệu tấn tình đến ngày 09/02 so với mức 893.91 nghìn tấn trong tuần trước. Tổng số tàu đăng ký phần lớn thông qua cảng Santos và ghi nhận ở mức 35 chiếc so với 28 chiếc tuần trước.
Đánh giá: Tiêu cực
Đậu tương
Giá đậu tương trong phiên ngày hôm qua tiếp tục tăng mạnh khi sản lượng đậu tương tại Nam Mỹ không đạt được như kỳ vọng ban đầu. Bên cạnh đó, tối qua USDA cho biết trong một đơn hàng tư nhân ghi nhận bán hàng 299,700 tấn đậu tương sang một quốc gia giấu tên, trong đó 66,000 tấn đậu tương vụ mới 2022/23 và còn lại là 2021/22. Quốc gia này không ai khác ngoài Trung Quốc, lo ngại về chất lượng đậu tương thu hoạch sớm tại Brazil và nguồn cung có thể giảm tại đây là động cơ khiến Trung Quốc thu mua đậu tương Mỹ liên tục từ dịp Tết nguyên đán cho đến nay. Báo cáo bán hàng đậu tương tuần kết thúc ngày 03/02 đạt 1,592 nghìn tấn, tăng 46% so với tuần trước. Sản lượng co hẹp, việc thu mua ồ ạt của Trung Quốc nếu tiếp tục duy trì là yếu tố tích cực cho giá.
Các dữ liệu tồn kho từ Trung tâm Thông tin Dầu và Ngũ cốc Quốc gia (CNGOIC) ngày 10/02 cho thấy việc nghiền đậu tương của Trung Quốc tuần trước sụt giảm do các nhà máy dầu ngừng hoạt động trong kỳ nghỉ Tết Âm Lịch. Khối lượng nghiền trên toàn quốc trong tuần tính đến ngày 06/02 giảm xuống chỉ còn 300,000 tấn, so với mức 2.15 triệu tấn được ghi nhận trong tuần trước Tết.
Mặc dù sản lượng khô đậu tương và dầu đậu thấp hơn, việc thu mua chậm lại từ các công ty hạ nguồn trong giai đoạn này đã giúp lượng tồn kho của hai sản phẩm này lên cao hơn vào cuối tháng Giêng. Tuy nhiên, hiện tồn kho kho đậu tương chỉ ở mức 320,000 tấn, vẫn thấp hơn 260,000 tấn so với tuần tương đương tháng trước và thấp hơn 120,000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Conab đã giảm ước tính sản lượng đậu tương Brazil chính thức của mình là 15 triệu tấn so với tháng trước xuống còn 125.5 triệu tấn do hạn hán ở “toàn bộ khu vực phía nam và một phần của Mato Grosso do Sul”
Đánh giá: Tích cực
Lúa mì
Giá lúa mì trong phiên ngày hôm qua tiếp tục chịu các áp lực bán mạnh khi dư địa báo cáo WASDE tháng 2 vẫn còn, bên cạnh đó là tác động từ việc đồng đô la Mỹ tăng mạnh trước các dữ liệu CPI. Tuy nhiên, hiện tại kỳ vọng giá có thể được hỗ trợ tích cực trước lo ngại về cuộc tập trận hải quân của Nga có thể làm gián đoạn xuất khẩu lúa mì tại đây. Có khoảng 645,000 tấn lúa mì sẽ được vận chuyển trong tháng 2.
Chưa kể, dự kiến rằng nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia khu vực Trung Đông sẽ tăng cao do khô hạm làm giảm sản lượng trong nước. FAS của USDA công bố báo cáo cho thấy sản lượng lúa mì của Iran sẽ giảm mạnh và nhập khẩu có thể ở mức 7 triệu tấn, tăng 4.8% so với năm trước. Nga chính là nguồn cung cấp chính. Nga đã vận chuyển 4 triệu tấn từ tháng 7 năm trước đến tháng 1 năm nay sang Iran. Iraq và Syria cũng dự kiến cắt giảm sản lượng. USDA cho biết kể từ tháng 2/2021 Nga đã chuyển 400,000 tấn sang Syria. Vụ 2020/21 Nga chuyển 800,000 tấn sang Syria.
Báo cáo bán hàng lúa mì của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 03/02 cũng ghi nhận các số liệu tích cực 84.8 nghìn tấn, cao hơn 48% so với tuần trước.
Bộ Nông nghiệp Pháp đã hạ ước tính diện tích gieo hạt lúa mì vụ đông xuống 4.75 triệu ha từ 4.92 triệu ha trước đó. Con số này giảm 4.3% so với 4.96 triệu ha được thu hoạch vào năm 2021. Ngoài ra, công ty tư vấn Strategie Grains đã cắt giảm dự báo xuất khẩu lúa mì niên vụ 2021/22 của EU khoảng 800,000 tấn xuống còn 30.4 triệu tấn do sự cạnh tranh từ các nhà xuất khẩu Biển Đen và Nam Mỹ, cũng như giảm kỳ vọng nhập khẩu từ Algeria và Ai Cập. Công ty cũng đã nâng ước tính cho vụ lúa mì năm nay của EU lên 128 triệu tấn, tăng 300,000 tấn so với dự báo trước đó.
Đánh giá: Tiêu cực
Bài phân tích được thực hiện bởi đội ngũ Phân tích CTCP Saigon Futures - TVKD xuất sắc của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam năm 2020. Mọi thắc mắc về thị trường và tư vấn đầu tư, Quý NĐT vui lòng liên hệ:
Hotline: 0286 686 0068
Website: https://saigonfutures.com/
Fanpage: Saigon Futures Inc.