Lạm phát Mỹ hạ nhiệt, củng cố kỳ vọng Fed không phải thắt chặt mạnh tay
Đức Nguyễn
FX Strategist
Lạm phát Mỹ hạ nhiệt nhiều hơn dự báo, mang đến hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.
CPI toàn phần tăng 3% so với cùng kỳ và 0.2% so với tháng trước, thấp hơn kỳ vọng lần lượt ở mức 3.1% và 0.3%. CPI lõi tăng 4.8% so với cùng kỳ và 0.2% so với tháng trước, cũng thấp hơn kỳ vọng 5%.
Lợi suất, USD giảm, chứng khoán và vàng tăng mạnh sau khi báo cáo được công bố. Kỳ vọng Fed tăng lãi suất sau tháng 7 giảm xuống chỉ còn khoảng 50%.
Số liệu củng cố rằng lạm phát đang giảm kể từ khi chạm đỉnh một năm trước, sau hơn 1 năm liên tục tăng lãi suất và nhu cầu suy yếu. Dù vậy, áp lực giá cả vẫn vượt xa mục tiêu của Fed và các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 25-26/7.
“Lạm phát vẫn quá cao. Mục tiêu của chúng tôi là 2%,” Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin cho biết tại một sự kiện hôm thứ Tư sau báo cáo. “Nếu bạn hạ lãi suất quá sớm, lạm phát sẽ tăng trở lại rất nhanh, sau đó buộc Fed phải làm nhiều hơn nữa.”
Một phần lý do khiến lạm phát hạ nhiệt nhanh như vậy là do tháng 6/2022 là thời điểm CPI tăng kỷ lục 9.1% khi cuộc chiến Nga-Ukraine leo thang. Kể từ đây, số liệu so với cùng kỳ sẽ tiếp tục giảm.
Dù một số quan chức Fed cho rằng việc tăng lãi suất trong cuộc họp tháng này là chắc chắn, họ cũng sẽ chờ đợi số liệu giá sản xuất, kỳ vọng lạm phát và doanh số bán lẻ.
Báo cáo cũng cho thấy một danh mục dịch vụ chính không bao gồm nhà ở và năng lượng - gọi là lạm phát siêu lõi - ít thay đổi trong tháng 6 so với tháng trước. So với một năm trước, lạm phát này đã giảm còn 4%, cũng là mức tăng nhỏ nhất kể từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, Fed tính toán điều này dựa trên một chỉ số riêng.
Chi phí nhà ở, thành phần dịch vụ lớn nhất và chiếm khoảng 1/3 chỉ số CPI chung, tăng 0.4%. Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng giá nhà ở sẽ tăng chậm hơn trong những tháng tới.
Các quan chức Fed cũng lo lắng về giá cả hàng hóa - vốn là một tác nhân khiến lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng vào năm ngoái nhưng đã có dấu hiệu tăng trở lại trong những tháng gần đây. Loại trừ thực phẩm và năng lượng, giá hàng hóa lần đầu tiên giảm vào năm 2023.
Giá tạp hóa, vốn là một gánh nặng lớn đối với ngân sách của người Mỹ, ít thay đổi vào tháng trước. Chi phí dịch vụ chăm sóc y tế cũng không thay đổi.
Một lý do lớn khiến lạm phát tăng cao là thị trường lao động mạnh mẽ. Các doanh nghiệp tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm và tiền lương vẫn tăng mạnh, cho phép người Mỹ tiếp tục chi tiêu.
Các quan chức của Fed đồng ý rằng tiền lương và lạm phát có liên quan với nhau, nhưng họ bị chia rẽ về việc cái nào thúc đẩy cái nào. Một báo cáo riêng công bố vào thứ Tư cho thấy thu nhập trung bình mỗi giờ được điều chỉnh theo lạm phát đã tăng tháng thứ tư liên tiếp. Chỉ số này tăng 1.,2% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ tháng 3/2021.
Bloomberg