Lạm phát Mỹ - Trung lệch pha, thách thức mới cho nền kinh tế Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ
Thành Duy
Junior editor
CPI ở Trung Quốc gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi PPI tiếp tục giảm, cho thấy áp lực giảm phát vẫn là mối đe dọa lớn đối với sự phục hồi kinh tế của nước này.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0.1% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 12/04. Con số này thấp hơn dự báo tăng 0.4% của các nhà kinh tế theo khảo sát của Bloomberg. Tỷ lệ lạm phát cũng giảm so với mức 0.7% của tháng 2 (cũng là tháng đầu tiên vượt mức 0% trong sáu tháng qua vào dịp Tết Nguyên Đán). Đáng chú ý, Chỉ số giá sản xuất đã giảm 18 tháng liên tiếp.
Sự chậm lại của giá cả cho thấy Trung Quốc có thể khó đạt được mục tiêu tăng trưởng dựa trên sức mua trong nước, mà thay vào đó phải phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu. Hơn nữa, với việc lạm phát Mỹ đang tăng tốc, nguy cơ chênh lệch lãi suất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gia tăng, gây áp lực giảm lên đồng Nhân dân tệ.
Lạm phát Trung Quốc hạ nhiệt, áp lực lên Nhân dân tệ gia tăng
"Dữ liệu giá cả phản ánh rõ sự suy yếu của của sức mua trong nước," Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng phụ trách Greater China tại Australia & New Zealand Banking Group, nhận định. "Sự cải thiện gần đây về đà tăng trưởng chủ yếu nhờ vào động lực xuất khẩu."
Trước khi dữ liệu CPI của Trung Quốc được công bố, PBOC đã có động thái can thiệp nhằm hỗ trợ đồng Nhân dân tệ sau khi đồng tiền này rơi vào nhịp giảm mạnh nhất trong ba tuần qua so với USD do bất ngờ về lạm phát Mỹ. PBOC đặt tỷ giá tham chiếu USD/CNY hàng ngày ở mức 7.0968, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, một vài chỉ số chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã giảm tới 1.8% vào đầu ngày hôm qua trước khi hồi phục trở lại.
Lạm phát cao hơn trong dịp Tết Nguyên Đán và sự phục hồi của hoạt động du lịch từng thổi lên hy vọng về việc người tiêu dùng Trung Quốc có thể chi tiêu trở lại. Tuy nhiên, nếu điều này không xảy ra, khả năng Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay sẽ phải phụ thuộc vào nhu cầu chi tiêu từ bên ngoài. Dữ liệu xuất khẩu và hoạt động sản xuất khả quan trong những tuần gần đây đã khiến Goldman Sachs Group và Morgan Stanley nâng dự báo tăng trưởng của họ về trong tuần này.
Theo NBS, sự chậm lại của CPI là do "nhu cầu tiêu dùng giảm theo mùa sau kỳ nghỉ lễ trong khi nguồn cung thị trường nhìn chung là vẫn đủ".
Phân tích từ Bloomberg Economics: "Áp lực giảm phát dai dẳng đòi hỏi chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Chúng tôi dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất trong quý 2."
Giá thực phẩm giảm đã kéo chỉ số CPI giảm 0.5%. Tương tự, mức tăng giá dịch vụ du lịch theo năm cũng giảm mạnh, chỉ còn 6% so với mức 23% của tháng Hai. Nhóm mặt hàng đồ gia dụng và giao thông (bao gồm cả ô tô) tiếp tục xu hướng giảm giá kéo dài hơn một năm qua. Chính phủ Trung Quốc gần đây đã công bố các kế hoạch hành động nhằm kích cầu bằng cách trợ cấp cho các hộ gia đình đổi máy cũ lấy máy mới, thân thiện với môi trường hơn.
Thị trường nhà đất rơi vào cảnh ảm đạm đang kéo theo nhu cầu đối với các vật liệu xây dựng như thép sụt giảm, dẫn đến giá sản xuất lao dốc. Chỉ số giá sản xuất chung ghi nhận mức giảm 2.8%, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2016. Đi sâu vào từng ngành, chi phí luyện kim và ép kim loại giảm 7.2% xét theo hàng năm. Trong khi đó, hoạt động khai thác và rửa than - nguyên liệu sản xuất thép - chứng kiến mức giảm mạnh nhất với 15%, vượt xa các ngành công nghiệp khác.
Lạm phát giảm sút có thể khiến chính phủ Trung Quốc phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ. Giá giảm kéo theo lợi nhuận doanh nghiệp giảm theo, thu hẹp đầu tư và có thể khiến người tiêu dùng trì hoãn việc chi tiêu do kỳ vọng hàng hóa sẽ rẻ hơn trong tương lai.
"Chính sách tiền tệ có thể sẽ tiếp tục nới lỏng," Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng phụ trách Greater China tại Jones Lang LaSalle, cho biết. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một rào cản cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Trung Quốc, đó là lạm phát cao hơn dự kiến ở Mỹ có thể trì hoãn việc Fed nới lỏng chính sách. Theo ông, điều này sẽ khiến Trung Quốc khó khăn hơn trong việc giảm lãi suất dẫu cho đây là điều cần thiết do lo ngại đồng Nhân dân tệ sẽ giảm sâu hơn.
Chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ-Trung tiệm cận mức cao kỷ lục một lần nữa
Lợi suất chào mua TPCP Trung Quốc kỳ hạn 10 năm
Các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, ví dụ như nhà máy luyện kẽm, đang phải giảm giá bán do công suất dư thừa. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ô tô điện cũng đang tung ra các chương trình chiết khấu sâu để thu hút khách hàng.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), lạm phát lõi (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) đã giảm xuống còn 0.6% trong tháng trước so với mức 1.2% của tháng Hai. Đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng giảm phát có thể tiếp tục đeo bám nền kinh tế trong những tháng tới.
Bloomberg